Aa

Doanh nghiệp và nhà quản lý tìm tiếng nói chung để phát triển nhà ở công nhân

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 22/02/2022 - 06:00

Theo các chuyên gia, để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đáp ứng cơ bản nhu cầu và có giá phù hợp với khả năng chi trả thì cần có các giải pháp về tài chính một cách đồng bộ, khả thi.

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay kết quả thực hiện mục tiêu trên chỉ đạt 5,2/12,5 triệu mét vuông, tương đương khoảng 41,6%. Bộ Xây dựng đánh giá, sở dĩ kết quả đạt được thấp như vậy vì các doanh nghiệp ít quan tâm tới phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, giá bán thấp phù hợp với phần lớn người dân đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn, do thời gian thu hồi vốn lâu và không hấp dẫn về lợi nhuận.

Vì thế, phần lớn người lao động, nhất là công nhân làm việc ở các khu công nghiệp không có chỗ ở ổn định, phải đi thuê mướn nơi ở tại các phòng trọ tư nhân. Tuy nhiên, số lượng phòng trọ phục vụ cho người lao động tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn đang thiếu không chỉ về số lượng mà chất lượng cũng vô cùng thấp, chưa đảm bảo về vấn đề sức khoẻ cho người ở cũng như các dịch vụ đi kèm nhưng giá thuê lại tương đối cao.

Hậu quả nặng nề của sự thiếu quan tâm này đã phát tác khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động. Làn sóng người lao động ồ ạt rời bỏ các khu đô thị, khu công nghiệp để trở về quê trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phục hồi, phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

công nhân

công nhân

Người dân lao động vượt cả trăm, nghìn cây số để về quê khi dịch bùng phát mạnh. (Ảnh: Internet)

Nghịch lý ô tô xếp hàng dài mua nhà ở xã hội

Lý giải nguyên nhân cho sự thiếu hụt trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là do các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chưa quan tâm đến đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp...

Nhìn nhận về vấn đề này, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng chỉ ra phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm. Quỹ đất 20% để thực hiện nhà ở xã hội hay nhà lưu trú cho công nhân tại nhiều địa phương hiện không có hoặc không được triển khai.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở cho công nhân, thế nhưng chỉ có ít doanh nghiệp thực hiện đúng.

Số lượng nhà ở công nhân thiếu nhiều nhưng khi các dự án ở phân khúc này được xây dựng thì không đến tay đúng đối tượng. Theo ông Chính, phần lớn công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội không chỉ do tiêu chí mua còn khắt khe, mức thu nhập công nhân thấp nên không mua hay thuê nổi nhà ở xã hội, mà còn do các dự án chưa được trao đến đúng người.

“Thời gian qua nhà ở xã hội đã đến đúng đối tượng chưa? Theo tôi được biết trước đây nhiều nơi mở bán nhà ở xã hội mà ô tô xếp hàng dài mua. Người giàu mới có ô tô mà lại mua nhà ở xã hội?”, ông Chính băn khoăn.

ông Ngọc Chính
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Nghịch lý người giàu có suất mua nhà ở xã hội trong khi người nghèo, người lao động lại bon chen đến khổ sở vẫn không sở hữu nổi những căn hộ này đã cho thấy những bất cập lớn trong việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay.

Để rồi không ai khác, người nghèo lại càng nghèo, những vấn đề bức thiết của xã hội lại đi vào bế tắc. Thực tế, qua việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua càng khiến cho những bức xúc này lộ rõ.

ThS. Phan Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản, Ban Quản lý dự án Thiết chế Công đoàn cho biết, tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn, làng ở gần khu công nghiệp chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội... Từ đó, nguy cơ mất trật tự xã hội, mất an toàn cháy nổ và bùng phát dịch bệnh luôn ở mức báo động.

Chưa kể, hàng trăm nghìn công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu những tiện nghi tối thiểu. Bên cạnh đó, tình trạng công nhân lao động ở xen kẽ trong khu dân cư dẫn đến lây nhiễm chéo. Đây là nguồn lây lan diện rộng làm cho công tác phòng chống dịch bệnh trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như sức sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Cần thiết triển khai hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ

Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở dành cho công nhân trong thời gian tới cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc trong bài toán này, ông Hà Quang Hưng cho rằng cần triển khai một số giải pháp mang tính đồng bộ.

Thứ nhất, cần quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Thứ hai, sửa đổi pháp luật về thuế theo hướng bổ sung loại hình “dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê” để chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho thuê được hưởng ưu đãi này, đảm bảo đồng bộ với pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở và khoản 2 Điều 9 Nghị định 100) quy định mức thuế ưu đãi đối với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được ưu đãi hơn so với trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua; cụ thể là được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ ba, bổ sung hình thức bán nhà cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê để doanh nghiệp cho công nhân của mình thuê lại.

Thứ tư, đối với phần nhà ở xã hội cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội quy định chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng; tuy nhiên trường hợp 2 năm liên tục không có đối tượng thuê thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được bán hoặc thuê mua.

Thứ năm, sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp.

nhà ở công nhân
Một cấu trúc sản phẩm nhà ở kết hợp chung cư cao tầng căn hộ nhỏ và nhà vườn diện tích nhỏ ở dự án EHome 4. 

Nhìn nhận ở góc độ tài chính, phát biểu tại hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân”, đại diện Tổng Công ty Becamex Bình Dương cho rằng, để phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đáp ứng cơ bản nhu cầu và có giá thuê nhà phù hợp với khả năng chi trả của công nhân thì cần có các giải pháp liên quan đến tài chính nhà ở công nhân khu công nghiệp một cách đồng bộ và khả thi.

Thứ nhất, để giảm giá nhà ở công nhân khu công nghiệp bằng giải pháp tăng nguồn cung thì Nhà nước phải có chính sách tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, cần có các chính sách khuyến khích người dân gần khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Thứ hai, giảm chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân. Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp, tuy nhiên thời gian và thủ tục liên quan để có đất xây dựng nhà ở công nhân (bao gồm cả xây dựng hệ thống hạ tầng) còn dài và nhiều, nếu rút ngắn thời gian và giảm các thủ tục này thì sẽ giảm các chi phí liên quan đến đất xây dựng nhà ở công nhân.

Thứ ba, giảm chi phí liên quan đến xây dựng. Để giảm các chi phí này, có thể giảm chi phí thiết kế và giảm chi phí xây dựng. Giảm chi phí thiết kế bằng cách áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; giảm chi phí xây dựng bằng việc có chính sách thưởng phù hợp cho nhà thiết kế khi thiết kế làm giảm giá thành xây dựng, sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương với giá cả và chất lượng phù hợp, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng như sử dụng các cấu kiện sản xuất sẵn để lắp ghép...

Thứ tư, giảm chi phí tài chính. Bên cạnh việc cho vay với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng như hiện nay thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển nhiều tổ chức cho vay để phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như: Tổng công ty Tài chính phát triển nhà (kinh nghiệm của Ấn Độ), Quỹ phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp (kinh nghiệm của Philippines, Hàn Quốc), Công ty đầu tư, hợp tác xã tín dụng, quỹ tiết kiệm địa phương (kinh nghiệm của Mỹ)… Các quỹ này được tạo bởi tiền tiết kiệm của công nhân, hỗ trợ của Chính phủ và các nhà tài trợ. Các hình thức cho vay cần linh hoạt (vay không thế chấp, thế chấp; thế chấp lãi suất cố định hoặc điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát…), đồng thời cũng cần có phương án trả nợ linh hoạt.

Thứ năm, miễn, giảm thuế. Nhà nước cần miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp tham gia xây dựng và quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Thứ sáu, giảm chi phí phát sinh do thủ tục hành chính rườm rà. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, quản lý vận hành nhà ở công nhân khu công nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top