Aa

Phát triển trái phiếu doanh nghiệp cần lộ trình, giải pháp rõ ràng, hợp lý

Thứ Tư, 27/01/2021 - 11:15

Khẳng định có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi “ôm” trái phiếu doanh nghiệp, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường này mới ở giai đoạn đầu phát triển.

Vì vậy, để kênh huy động vốn này phát triển an toàn, bền vững, tạo điều kiện cho mọi thành phần trong nền kinh tế tham gia, các cơ quan quản lý cần có thêm nhiều giải pháp, đặc biệt phải có lộ trình rõ ràng, thông thoáng, phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Không ai kiểm định trái phiếu, nhà đầu tư đối mặt hàng loạt rủi ro

PV: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng trong hơn 2 năm qua, nhiều trái phiếu nay sắp đến kỳ đáo hạn, nhưng sức khỏe doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản, đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tại một số nước trong khu vực, làn sóng vỡ nợ trái phiếu đã diễn ra. Với chất lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát hành thời gian qua, theo ông, đây có phải là lúc nhà đầu tư nên lo lắng?

TS. Cấn Văn Lực: Rủi ro với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam là có, bởi thời gian qua, lượng phát hành tương đối nhanh, trong khi tham gia có cả nhà đầu tư cá nhân - vốn thiếu kiến thức, thiếu thông tin, chưa nắm được đầy đủ tình hình sức khỏe của doanh nghiệp phát hành. Thêm vào đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường chủ yếu trên cơ sở “tín chấp”, không có tài sản đảm bảo.

Rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư là rủi ro thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn, hay còn gọi là rủi ro tín dụng (credit risk).

Trên thế giới, để đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của tổ chức phát hành cũng như đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các quốc gia thường sử dụng các công ty định hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thời gian qua, phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ, mà không sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, một phần do nước ta chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chính thống. Do đó, việc đánh giá chất lượng trái phiếu doanh nghiệp - chính xác hơn là xác định rủi ro tín dụng của trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành - đã không được thực hiện bởi một tổ chức độc lập. Như vậy, trước hết, ngay từ khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải lo lắng về chất lượng mặt hàng mình mua khi không có ai thẩm định.

Ngoài ra, khi nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư còn phải lo lắng đến các yếu tố khách quan về điều kiện thị trường, ngành/lĩnh vực, cũng như năng lực hoạt động của tổ chức phát hành sẽ ảnh hưởng như thế nào đến rủi ro tín dụng của trái phiếu.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV

Cụ thể, suy giảm tăng trưởng kinh tế do yếu tố bất định của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều ngành nghề, trong đó có bất động sản. Khối lượng trái phiếu mà doanh nghiệp bất động sản phát hành thời gian qua rất lớn, chỉ đứng sau ngân hàng, nên nhà đầu tư rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rủi ro nhất định.

PV: Năm 2020, thị trường bất động sản ảm đạm, tín dụng cũng tăng trưởng chậm. Theo ông, đâu là lý do ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản vẫn ồ ạt huy động vốn? Liệu có nghi vấn đảo nợ, chuyển lợi nhuận... ở đây?

TS. Cấn Văn Lực: Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, đúng là có phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ. Một số thống kê cho thấy, ngân hàng thương mại vẫn là một trong những nhà đầu tư chính đối với các trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi suy giảm tăng trưởng kinh tế, khiến việc đáp ứng điều kiện tín dụng của họ khó khăn hơn, hệ thống tổ chức tín dụng cũng phải tăng cường kiểm soát rủi ro.

Ngoài ra, bất động sản cũng không phải là một lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng, nên không loại trừ một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp và được một số ngân hàng mua nhằm mục đích cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, việc này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhắc nhở, chấn chỉnh thời gian qua.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng trong mấy năm gần đây, trong khi phát hành chủ yếu trên cơ sở tín chấp, nên tiềm ẩn rủi ro rất lớn

Phải tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế huy động được vốn

PV: Thời gian qua, để siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tham vấn Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP và Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo ông, các quy định mới đã ngăn chặn được các lỗ hổng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp huy động vốn?

TS. Cấn Văn Lực: Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (ban hành ngày 31/12/2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) có những điểm nới hơn, nhưng cũng có điểm chặt chẽ hơn so với các quy định trước đây (bao gồm cả Nghị định 81/2020/NĐ-CP).

Cụ thể, Nghị định 153/2020/NĐ-CP gỡ bỏ các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp khá chặt chẽ của Nghị định 81/2020/NĐ-CP trước đây, như đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng (đối với phát hành trong nước)…

Tuy nhiên, điểm chặt chẽ hơn của Nghị định 153/2020/NĐ-CP là đưa ra các quy định hạn chế đối tượng được tham thị trường trái phiếu doanh nghiệp xét theo 2 chiều cung và cầu.

Về phía cung, Nghị định 153/2020/NĐ-CP yêu cầu tổ chức phát hành phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có). Điều này đồng nghĩa, tổ chức phát hành không phát sinh nợ xấu, có tình hình tài chính lành mạnh.

Về phía cầu, điều chỉnh quan trọng là nhà đầu tư mua trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược.

Theo quan điểm của tôi, Nghị định 153/2020/NĐ-CP giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh hơn thông qua hạn chế đối tượng tham gia thị trường phải là tổ chức có tình hình tài chính tốt, am hiểu về thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể tham gia kênh huy động vốn này nếu có tình hình tài chính tốt, phương án sử dụng vốn trái phiếu khả thi, cũng như các điều khoản, điều kiện về trái phiếu đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ đầu phát triển, nhưng cũng có giai đoạn tăng trưởng khá nóng, như 2 năm gần đây, nên tiềm ẩn rủi ro. Nghị định 153/2020/NĐ-CP ra đời với những quy định hạn chế như trên là cần thiết, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia thị trường, từ đó hướng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển đúng hướng và bền vững hơn.

Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tốt và lành mạnh, cần sớm cho phép thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập để đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trái phiếu phát hành, làm kênh tham khảo quan trọng cho nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần công khai, minh bạch hơn, thông qua việc tích cực cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán.

PV: Về lâu dài, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, vừa ngăn chặn rủi ro trên thị trường trái phiếu, vừa tạo sân chơi công bằng cho nhà đầu tư, vừa đa dạng kênh huy động vốn cho mọi doanh nghiệp, theo ông, cơ quan quản lý cần thêm những giải pháp gì?

TS. Cấn Văn Lực: Thứ nhất, vấn đề đáng xem xét nhất khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, theo tôi, là rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng sẽ quyết định đến lãi suất trái phiếu phát hành. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể tham gia kênh này với chi phí hợp lý nếu chứng minh được với nhà đầu tư rằng, mình đang hoạt động tốt, có phương án sử dụng tiền phát hành hiệu quả. Việc chứng minh này, như tôi đã đề cập, có thể xem xét đến việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Nói cách khác, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho mọi thành phần trong nền kinh tế có thể tham gia được kênh huy động vốn này, tôi nghĩ, các cơ quan quản lý cần phải có lộ trình rõ ràng, thông thoáng cho sự phát triển của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm này.

Thứ hai, gia tăng giám sát, minh bạch, tăng cường giáo dục tài chính, cũng như truyền thông, thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là các giải pháp cần phải triển khai mạnh mẽ hơn để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Thứ ba, cần sớm thành lập thị trường mua - bán nợ chuyên nghiệp (giao dịch cả nợ bình thường cũng như nợ xấu), để vừa tăng thanh khoản, vòng quay đồng vốn, vừa giúp các bên cho vay, quỹ đầu tư có điều kiện phân tán, chia sẻ rủi ro và cũng là tăng hàng hóa cho thị trường.

Cuối cùng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần lớn lên, hoạt động công khai, minh bạch, bài bản hơn, có phương án phát hành và truyền thông rõ ràng. Đây sẽ là những động lực quan trọng cho phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tiềm năng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top