Aa

Phí công đoàn đang chuyển thành “thuế công đoàn”?

Thứ Hai, 27/09/2021 - 10:00

Việc đề nghị xem xét miễn phí công đoàn được nhiều DN đặt ra, phần vì những khó khăn do Covid-19, nhưng có lẽ một phần khác không kém quan trọng, đó là phí công đoàn đang dần biến dạng thành... “thuế công đoàn".

Khi bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại cho các doanh nghiệp, nhiều vấn đề cốt yếu được đặt ra, như miễn giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất vốn vay, tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội…, thì việc đề nghị xem xét miễn phí công đoàn đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra.

Một câu hỏi nảy sinh, phí công đoàn sinh ra là để phục vụ trực tiếp quyền và lợi ích của người lao động; là một loại phí thuộc dịch vụ công cần thiết cho một tổ chức hoặc cá nhân nhằm hỗ trợ cho sự tồn tại bền vững của cá nhân hay tổ chức đóng phí đó. Trong mỗi tổ chức doanh nghiệp luôn luôn có một vòng tròn khép kín, đó là doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động, đồng thời người lao động tạo nên môi trường tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Vậy tại sao hiện nay, các doanh nghiệp lại tự tước bỏ một trong những nguồn lực hỗ trợ sự tồn tại của chính mình?

Theo Luật Công đoàn, tài chính công đoàn gồm 4 nguồn thu:

Thứ nhất, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Hiện nay là 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thứ ba, được ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ.

Thứ tư, nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Trong đó, nguồn thứ hai do các doanh nghiệp đóng hằng năm là rất lớn, chẳng hạn như năm 2019, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, là 69% trong tổng số nguồn thu với hơn 20.000 tỷ đồng.

Ngẫm kỹ lại, việc đề nghị xem xét miễn phí công đoàn được nhiều doanh nghiệp đặt ra, phần vì những khó khăn do đại dịch Covid-19 đem lại, nhưng có lẽ một phần khác không kém quan trọng, đó là hiện nay, việc sử dụng phí công đoàn đang dần bị biến dạng thành “thuế công đoàn”.

Vậy khái niệm thuế và phí khác nhau ở chỗ nào?

Theo các luật gia, thuế là khoản thu bắt buộc mang tính cưỡng chế bằng sức mạnh của Nhà nước mà các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách Nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Các khoản thu này không mang tính đối giá và không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế.

Còn phí là khoản thu mang tính bù đắp chi phí thường xuyên hoặc bất thường của các cơ quan cung cấp cho xã hội một số dịch vụ công. Khoản thu này mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp cho các cá nhân và tổ chức nộp phí.

các hiệp hội đã đề xuất được tạm dừng thu phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đến 30/6/2022 cho doanh nghiệp có 15% lao động trở lên phải tạm thời nghỉ việc, thay vì 50% (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Thế nhưng thực tiễn cho thấy, việc “hoàn trả trực tiếp” của phí công đoàn này đang xuất hiện tình trạng thiếu minh bạch, tức là người nộp phí không được hưởng những dịch vụ công tương xứng.

Minh chứng rõ ràng nhất đã được nêu tại Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa được Kiểm toán Nhà nước hoàn thành. Kết quả kiểm toán cho thấy một nghịch lý trong tổng thu trên 20.000 tỷ đồng là: Tỷ lệ tổng chi/tổng kinh phí để lại tại cấp công đoàn cơ sở là 99,1% (chưa vượt 100% do phải tuân thủ tỷ lệ chi dự toán đề ra); công đoàn cấp trên cơ sở là 68,1%; cấp Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 45,4% và tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 8,3%.

Số liệu trên cho thấy, nhu cầu chi ở cấp cơ sở cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, trong khi các cơ quan công đoàn cấp trên, nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cho biết, tỷ lệ thu khác/tổng chi tại công đoàn cơ sở là 11,1%; tại công đoàn cấp trên cơ sở là 15,1%; tại Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, công đoàn ngành là 37,4%; trong khi tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là 220,8%.

Tính riêng thu khác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đáp ứng 2,2 lần tổng chi trong năm. Mức độ tích lũy như vậy là quá lớn.

Bất cập được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là tình trạng trên diễn ra trong khi cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tích lũy, nên hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.

Trong khi đó, số dư tích lũy của tài chính công đoàn đến ngày 31/12/2019 là gần 29.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% của toàn ngành). Số tiền này phần lớn dã được sử dụng để gửi ngân hàng có kỳ hạn nhằm tăng thu khác, đầu tư, cho vay…

Những con số nêu trên đã chứng minh một “khoảng cách giàu - nghèo” khó có thể xóa nhòa khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang phải oằn mình chống đỡ với đại dịch, thì ở một nơi nào đó và có những người đang dùng những đồng tiền đẫm mồ hôi của doanh nghiệp một cách ung dung, nhàn nhã với lợi ích không nhỏ.

Và cũng chính vì thế, mới đây, 14 Hiệp hội, Hội doanh nghiệp ngành nghề, mà toàn những ngành nghề tạo ra nhiều việc làm và có đóng góp lớn vào phí công đoàn, như các hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản, Dệt May, Da giày - Túi xách, Sữa, Doanh nghiệp điện tử… đã gửi kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có liên quan đến vấn đề phí công đoàn.

Chẳng hạn, các hiệp hội đã đề xuất được tạm dừng thu phí công đoàn, đoàn phí công đoàn đến 30/6/2022 cho doanh nghiệp có 15% lao động trở lên phải tạm thời nghỉ việc, thay vì 50%. Ngoài ra, các hiệp hội cũng đề xuất được mở rộng đối tượng và phạm vi được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng tiền ăn theo quyết định của Tổng Liên đoàn đưa ra hôm 24/8. Theo đó, thay vì chỉ cho áp dụng cho người lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", đối tượng sẽ là các doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" và doanh nghiệp ngừng sản xuất…

Thiết nghĩ, đây cũng là những kiến nghị có tính xây dựng cao, bởi như câu ngạn ngữ quen thuộc: “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar” mà thôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top