Chẳng hạn như vừa rồi, liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) sau 3 năm vận hành mà có tới 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty tham gia.
Đấy, chỉ một dự án đầu tư bằng tiền công mà có đến ngần ấy cơ quan Nhà nước quan tâm, mà mỗi cơ quan lại phải có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận lại cử nhiều chuyên gia, vậy đâu có thiếu người… “khóc”?
Tám tôi chợt nhớ đến những cuộc tranh luận gay gắt cách đây hơn 8 năm về dự án khổng lồ này. Từ cấp Chính phủ đến Quốc hội, từ các nhà khoa học đến các chuyên gia đầu ngành và đông đảo dư luận xã hội, người ủng hộ, người phản đối, người nghi ngờ…
Thậm chí, tại một hội thảo khoa học về vấn đề bô-xít ở Tây Nguyên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hồi bấy giờ đã đọc bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có đoạn viết: “Tại cuộc Hội thảo quan trọng này, tôi mong các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội hãy nêu cao trách nhiệm trước dân tộc thảo luận một cách khoa học, nghiêm túc, thẳng thắn để kiến nghị với Đảng và Nhà nước một chủ trương đúng đắn về vấn đề bô-xít Tây Nguyên mà tôi cho là không nên khai thác. Vì đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”.
Cuối cùng, dự án đã được triển khai như mọi người đã biết.
Nhưng rồi đến đầu năm nay, Thanh tra Bộ Tài chính có kết luận thanh tra về dự án này sau 3 năm vận hành. Tại dự án Tân Rai, tổng mức đầu tư cho dự án này ban đầu là 7.787,5 tỷ đồng đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỷ đồng (hơn 800 triệu USD). Sau 3 năm đi vào hoạt động đã lỗ 3.696 tỷ đồng.
Tại Dự án Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu vốn đầu tư cho dự án này cũng từ 3.285 tỷ đồng đã tăng lên đến 16.821 tỷ đồng. Nay nhà máy đã bắt đầu bước vào cuộc hành trình … thua lỗ như đã được báo trước.
Đến đây, bạn đọc thấy chưa, đầu tư hơn 32 nghìn tỷ, rồi mỗi năm lại lỗ hàng nghìn tỷ đồng, một “lọ mật” khổng lồ và hấp dẫn như thế, nhiều người quan tâm đến thế, đâu có phải như các cụ nói là “việc chung bị bỏ mặc, không ai ngó ngàng đến”! Phải “ngó” đến đồng tiền cuối cùng ấy chứ!
Tựa như 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” nhiều năm đấy, khi “cha chung” còn màu mỡ, sung túc thì rất nhiều người “khóc”.
Chỉ có điều khi “cha chung” đắp chiếu để đấy rồi thì người nọ đùn đẩy người kia, không ai đứng ra để chôn mà thôi.