Aa

Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành: “Ký quỹ BĐS sẽ tạo điều kiện kích cầu hơn"

Thứ Ba, 25/07/2017 - 19:46

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, hình thức ký quỹ BĐS có ngân hàng đứng ra cam kết, bảo lãnh sẽ tạo được sự an tâm cho khách hàng, từ đó, tạo điều kiện cho kích cầu nhiều hơn"

PV: Hiện nay có một số đơn vị BĐS khi bắt đầu xây dựng một dự án nào đó thì cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ dưới hình thức ký quỹ tại ngân hàng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Đực: Hiện nay có rất nhiều cách bán hàng. Mỗi doanh nghiệp, sàn môi giới có một cách bán hàng khác nhau nhưng tựu chung là khi chưa làm xong móng và được Sở Xây dựng địa phương xác nhận tình trạng được bán hàng thì doanh nghiệp không được bán.

Vì vậy, doanh nghiệp mới làm động tác đặt cọc giữ chỗ. Đầu tiên đặt cọc 50 triệu đồng là giữ chỗ, sau một thời gian, khách hàng đặt cọc 10% giá trị căn hộ. Ví dụ, một căn hộ tầm 1 tỷ đồng thì ngay trong buổi bán hàng, khách hàng đã được môi giới nói ngọt nói bùi đóng liền tại chỗ 50 triệu đồng gọi là giữ chỗ, sau đó đóng đủ 10%, tức 100 triệu tiền đặt cọc...

Tuy nhiên, để làm khách hàng yên tâm hơn thì các doanh nghiệp làm theo cách, ban đầu khi chưa có hợp đồng chính thức, khách hàng có thể gửi số tiền 50 triệu đồng, 100 triệu đồng vào ngân hàng, số tiền này được ngân hàng phong tỏa. Việc làm này giúp khách hàng có thể tin tưởng, số tiền không giao cho chủ đầu tư sử dụng sai mục đích. Đây cũng là một hình thức tiếp thị mới, tức là tạo sự an tâm cho khách hàng. Trước đây, với số tiền trên, sau khi khách hàng nộp cho chủ đầu tư, đã có trường hợp chủ đầu tư không thực hiện dự án nên khá rủi ro. 

Thứ hai, có nhiều trường hợp khách hàng đưa tiền qua môi giới và chính môi giới không nộp về cho chủ đầu tư. Thực tế, đã có trường hợp môi giới lấy của một sàn 20 tỷ đồng và cuối cùng doanh nghiệp phải đứng ra bồi thường cho khách hàng...

Vì vậy, có thể các doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm xảy ra ở các sàn trước đây, đưa ra hình thức bán hàng mới, tạo sự an tâm cho khách hàng, số tiền đó gửi vào ngân hàng và phong tỏa lại.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành.

PV: Việc ký quỹ này có rủi ro gì không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Thông lệ bán hàng hiện nay là tiền ban đầu giao cho môi giới hoặc chủ đầu tư, việc làm này đã có những khuyết điểm nên gây mất niềm tin cho khách hàng.

Do đó, việc chủ đầu tư tạo ra một cách bán hàng mới, tiền gửi vào sẽ được ngân hàng phong tỏa, thì tạo được sự an tâm cho khách hàng. 

Đương nhiên cách làm nào cũng có rủi ro nhưng cách làm mới này an toàn hơn. Vì hình thức này không đưa tiền trực tiếp cho môi giới mà đưa trực tiếp cho chủ đầu tư và tài khoản này được phong tỏa. Đây là một việc làm đáng hoan nghênh. Tôi rất ủng hộ.

PV: Vậy làm sao để khách hàng biết được ngân hàng mà phía chủ đầu tư đưa ra đảm bảo uy tín, giữ được số tiền khi khách hàng chuyển vào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Đương nhiên trong hợp đồng dù đặt cọc hay giữ chỗ sẽ có hợp đồng, trong đó quy định, khách hàng đã chuyển tiền cho ngân hàng thì ngân hàng phải giữ lại cho khách hàng, chờ khi nào dự án đủ điều kiện bán mới mở phong tỏa.

Ở đây nhiệm vụ của ngân hàng là phải giữ lại số tiền này còn nếu giao cho chủ đầu tư mà để xảy ra thất thoát thì ngân hàng phải chịu. Ngân hàng ở đây coi như là người bảo lãnh, bảo kê. Tôi cho cái này là rất hay và đúng.

PV: Trường hợp chủ đầu tư lập ra tài khoản rồi thông báo đó là tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách đặt cọc gửi tiền vào thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Đực: Đương nhiên ngân hàng phải đứng ra cam kết. Khi ngân hàng được giao đảm nhận việc này thì phải có bản cam kết của ngân hàng với khách hàng hoặc giữa ngân hàng với chủ đầu tư. Việc này ngân hàng bắt buộc phải có cái cam kết.

Tôi nghĩ là việc này không có khó khăn gì hết. Bây giờ có hình thức mới tạo an tâm cho khách hàng thì chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho kích cầu nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phân tích:

Theo quy định, chủ đầu tư được bán nhà ở hình thành trong tương lai khi họ phải hoàn thiện thủ tục của dự án về chủ quyền đất, nộp tiền thuế đất, giấy phép xây dựng, xây xong móng, có giấy thông báo được phép bán nhà của cơ quan quản lý nhà nước, trước khi bán phải thông báo với chính quyền địa phương… Cách bán này là ký hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Việc thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng thỏa thuận ký quỹ ba bên là theo Luật Dân sự, tôn trọng quyền tự do dân sự của hai bên. Khi chưa thực hiện hành động mua bán thì không thuộc phạm vi của Luật Kinh doanh BĐS. Ký quỹ có tính chất như là giữ chỗ, thể hiện sự quan tâm của người mua đến dự án và hình thức ký quỹ BĐS là không phạm luật.

Tuy nhiên, số tiền ký quỹ không quá lớn mà chỉ nên dao động 10-20% là hợp lý. Nếu số tiền ký quỹ quá lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro cho người mua… Mặc dù trong điều khoản tài khoản được phong toả, an toàn cho người mua và người bán. Nhưng nếu dự án không đủ điều kiện để bán thì việc xảy ra tranh chấp kiện tụng có thể có. Trong hợp đồng cần bổ sung thêm điều khoản có thoả thuận trong trường hợp bên bán không thực hiện cam kết thì phải có sự thoả thuận giải pháp nhằm công bằng quyền lợi giữa hai bên.

Cần thiết phải hạn chế được 2 điểm trên về khống chế quy định mức tiền ký quỹ và bổ sung chế tài bảo vệ người mua nhà. Có như vậy hình thức ký quỹ sẽ vẫn nằm trong hành lang pháp lý và bảo vệ an toàn cho khách ký quỹ mua BĐS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top