Aa

Xuất hiện hình thức ký quỹ mới trong mua bán BĐS

Thứ Năm, 27/07/2017 - 06:31

Hình thức ký quỹ mới xuất hiện trên thị trường BĐS Ấn Độ được pháp luật nước này ban hành nhằm giúp người mua hạn chế được rủi ro trong mua nhà dự án.

Trong một khoảng thời gian dài, các nhà đầu tư tại Ấn Độ bị cáo buộc đã sử dụng tiền thu gom từ các khách hàng đặt mua căn hộ ở một dự án để sử dụng cho một dự án khác.

Thực tế này diễn ra khiến khách mua nhà phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như thời gian giao nhà chậm, tiện ích không đảm bảo, chủ đầu tư không tiến hành thủ tục chuyển nhượng để người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở...

Vì vậy để bảo vệ lợi ích của người mua, đồng thời tạo môi trường lành mạnh nhằm thu hút đầu tư, chính phủ Ấn Độ đã ban hành đạo luật BĐS 2016 (The Real Estate 2016). Đạo luật này được đưa ra thảo luận vào năm 2016 và chính thức có hiệu lực vào tháng ngày 1/5/2017. 

Một trong những điều khoản chính và cũng là nguyên nhân thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư BĐS trong đạo luật này đó là đối với mỗi dự án nhà ở xây dựng, chủ đầu tư phải mở một tài khoản ký quỹ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đó, các chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng dự án phải gửi 70% số tiền nhận được từ bán căn hộ của dự án cho khách hàng vào tài khoản ký quỹ này. Tài khoản này sẽ do ngân hàng nơi mở tài khoản quản lý. Theo kế hoạch, dựa trên tỷ lệ hoàn thành và tiến độ xây dựng dự án, ngân hàng sẽ chuyển dần số tiền trong tài khoản ký quỹ cho chủ đầu tư để trang trải cho các chi phí liên quan đến dự án đó.

Để đảm bảo số tiền được sử dụng đúng mục đích và đúng dự án, chủ đầu tư nếu muốn rút tiền từ tài khoản quỹ này phải trình được những chứng nhận từ các kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế, thi công dự án như chứng nhận hoàn thành giai đoạn, biên bản nghiệm thu... và chứng nhận từ các kế toán viên trực tiếp theo dõi dự án.  

Bên cạnh đó, đạo luật cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải thuê kiểm toán để thực hiện kiểm toán tài khoản ký quỹ trong khoảng thời gian 6 tháng tính từ khi kết thúc năm tài chính trước đó. Mục đích là kiểm toán số dư, kiểm toán quá trình chuyển tiền để xác minh số tiền chuyển chỉ được dùng cho dự án khách mua đặt cọc và phù hợp với tỷ lệ hoàn thành của dự án. Đồng thời phải in bảng sao kê tài khoản có chứng nhận và chữ ký của kiểm toán viên.

Trong trường hợp chủ đầu tư bị phá sản, số tiền còn lại trong tài khoản ký quỹ sẽ do cơ quan có thẩm quyền tạm thời quản lý. Sau khi giữa cơ quan quản lý tài khoản này và các khách hàng đã đặt tiền để mua dự án thống nhất được chủ đầu tư khác hoàn thành dự án thì số tiền tiếp tục được sử dụng để xây dựng dự án.

Tại Việt Nam, việc mua nhà dự án cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với người mua, do đó, hình thức ký quỹ trong các giao dịch mua bán nhà ở như thế này cũng có thể là một hướng đi mới để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top