Aa

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước

Thứ Tư, 19/10/2022 - 17:39

Các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn.

Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tổ chức Hội nghị giao ban về tình hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Cổ phần hóa 180 doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 đến nay, các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật về quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý của chủ sở hữu, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung.

Các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp nhà nước tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp lớn cho công tác phòng, chống dịch.

Giai đoạn 2016 - 2020, đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng 23,3 % so với giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỷ đồng); đã thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Số tiền chuyển ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 221.700/250.000 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.

Đã cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều thương vụ thoái vốn đạt hiệu quả cao như tại Vinamilk, Sabeco, Vinaconex, Idico... Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn được quản lý tập trung, sử dụng hiệu quả, chuyển vào ngân sách Nhà nước theo đúng nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Long, số doanh nghiệp thành lập mới 5 năm gần đây đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động/1.000 dân liên tục tăng; năm 2020 đạt 8,3 doanh nghiệp/1.000 dân, so với con số của năm 2016 là 5,4.

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020. Các doanh nghiệp chưa hoàn thành được gia hạn thời gian và tiếp tục triển khai trong năm 2021 đến nay nhưng tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra.

Các bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn. Mặc dù đã nhận diện các vướng mắc này và có chỉ đạo từ sớm (năm 2018) nhưng do còn nhiều quan điểm khác nhau nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn nêu trên chưa kịp thời.

Về nguyên nhân, báo cáo cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nguồn lực của các nhà đầu tư và việc triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp; do tình hình thị trường… nguyên nhân chủ quan là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định. Việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chậm, gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là các thành phố lớn, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Còn hiện tượng sợ sai, không dám làm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chặm hoặc không thực hiện.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Còn nhiều vướng mắc

Tại Hội nghị, một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã thông tin về kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cũng như những vướng mắc cần xử lý trong thời gian tới.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu cho biết, PVN đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, thoái vốn 19 doanh nghiệp, hiện có 15 đơn vị có vốn chi phối. Trong 19 đơn vị, chỉ có 2 đơn vị Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Công tác cổ phần hóa của PVN thực hiện nhanh và có kết quả, các doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, có niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, PVN còn vướng ở chỗ một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong quá trình IPO, chưa được quyết toán.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã cổ phần hóa xong các Tổng Công ty Phát điện 2 và 3, còn Tổng Công ty phát điện 1 do chậm xác định giá trị doanh nghiệp nên không kịp cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020, phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025.

Về thoái vốn, đã hoàn thành việc thoái vốn của 6 công ty cổ phần, giá trị theo mệnh giá là 463 tỷ đồng, giá trị thu về là 634 tỷ đồng, thặng dư 171 tỷ đồng. Trong 6 đơn vị, có 3 đơn vị hầu như không thoái được đồng nào, chi phí bỏ ra nhiều hơn giá trị thoái, thị trường không chấp nhận giá quá cao, không có nhà đầu tư quan tâm, nên EVN đề nghị cho dừng thoái vốn, trước mắt giai đoạn 2021 - 2025 giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp này.

Một số vướng mắc được vị đại diện này nêu lên là trong năm 2021 - 2022 việc sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, thoái vốn không triển khai được vì chưa có kế hoạch, đề án đã được EVN trình và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang thẩm tra, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên chưa có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ của 2 năm này. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong thực hiện các quy định về tái cơ cấu, khó khăn trong quyết toán vốn sau cổ phần hóa, chưa hình thành được thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề nghị tiến hành tổng kết, đánh giá công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, qua đó xác định rõ các tồn tại, vướng mắc, đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa trong thời gian tới.

Làm rõ khó khăn, vướng mắc

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, để triển khai sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch hơn, tính đúng, tính đủ giá trị  doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nhà, đất khi cổ phần hóa, thoái vốn, hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Trong hoạt động điều hành, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thực hiện; trực tiếp làm việc với các bộ ngành, địa phương cho ý kiến về xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật. Quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đã có sự kế thừa, phát triển gắn với giải quyết các vướng mắc cụ thể của thực tiễn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã có tiến bộ, công tác thoái vốn nhà nước tuy chưa đạt yêu cầu đặt ra nhưng tổng số thu được tương đối lớn để nộp về ngân sách nhà nước. Phó Thủ tướng khẳng định, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân phát triển, hình thành lực lượng doanh nghiệp của đất nước lớn mạnh dần.

Chỉ ra tồn tại lớn nhất là tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch, còn nhiều vướng mắc, nhất là liên quan đến sắp xếp nhà đất, tài sản công; các quy định pháp luật còn chồng chéo hoặc không rõ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự nhất trí cao và có hành động quyết liệt, cụ thể trong đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý đảm bảo chặt chẽ, khả thi, đồng thời thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Các bộ, ngành theo nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

“Đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành địa phương, được dư luận rất quan tâm, nhưng việc thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, qua đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Các bộ, ngành sớm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền dự thảo các văn bản đã được phân công theo kế hoạch; đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top