Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin trên được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, sáng 27/6.
Còn tâm lý phải “lót tay”
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng, nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng.
Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ, đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định.
Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.
“Tuy gọi là “tham nhũng vặt” nhưng chúng ta đều thấy rằng tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thậm chí đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh,” “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội.
Hậu quả gây ra cũng rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu lên thực tế là tham nhũng vặt gây ra hậu quả, hệ quả không hề nhỏ. Đa số cán bộ công chức làm việc tốt, rất trung thực, có trách nhiệm, chỉ có một bộ phận hư hỏng gây ra tình hình này, nhưng bộ phận này lại không nhỏ, rải rác ở khắp nơi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.
“Có người nói, đưa tiền thì họ mới làm, còn không đưa thì không làm, nhưng có người đưa rồi, xin rồi, nhận rồi nhưng không làm. Có thực trạng đó, có phải bôi trơn nhưng chưa trơn, chưa đủ hoặc là không làm được, giải quyết thì anh sẽ chết nhưng cứ nhận”, Phó Thủ tướng cho hay.
Tham luận tại Hội nghị, nhiều bộ, ngành đã thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp nói riêng, song, vẫn còn dư luận về tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu, tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.
Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng, có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người, có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế, chính sách để làm lợi, cho một số người có chức vụ, quyền hạn.
Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị cần phải “lót tay”, chấp nhận tiêu cực, tham nhũng hoặc tìm cách tác động bằng nhiều hình thức khác nhau đối với cán bộ, công chức nhằm được hưởng lợi không hợp pháp và để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nạn phong bao, phong bì, lót tay người dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng Cảnh sát giao thông… xảy ra hàng ngày, hàng giờ.
Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó. Chỉ thị số 10/CT-TTg ra đời, có thể nói là “gãi đúng chỗ ngứa của người dân.”
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sỹ Công an đã có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng Công an nhân dân.
Các vi phạm chủ yếu xảy trong thời gian qua là vi phạm quy chế, quy trình công tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ vì mục đích vụ lợi.
Ngoài ra, có một cán bộ số vi phạm quy trình tuần tra, kiểm soát giao thông, có tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; vi phạm trong việc thẩm định, cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy; cấp hộ chiếu phổ thông.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thời điểm gây bức xúc trong dư luận nhân dân, báo chí phản ánh, có trường hợp phải xử lý hình sự.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, tình hình trên chủ yếu do 5 nguyên nhân, trong đó đầu tiên là người đứng đầu chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm lại xử lý chưa nghiêm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên khi bị phát hiện.
Chống tham nhũng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng
Nhấn mạnh đến việc chống tham nhũng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng, dẫn ví dụ từ vụ thanh tra xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc mới đây, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng "con sâu làm rầu nồi canh," phải thực hiện luân chuyển các vị trí công tác để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ lớn đến vặt, rà soát kiểm tra, thanh tra việc luân chuyển để ngăn chặn hiện tượng này.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và giám sát của người dân trong phòng, chống tham nhũng vặt là rất quan trọng.
Thanh tra Chính phủ nên triển khai đường dây nóng ở các đơn vị, có người trực thường xuyên để lắng nghe phản ánh về vấn đề này.
“Phải làm sao để không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Ở đây, “không dám” thì rõ ràng phải có chế tài mạnh, xử lý răn đe một số trường hợp.
“Không muốn,” phải làm sao cho đời sống của cán bộ được nâng lên về chế độ lương, đãi ngộ, chúng ta phải tinh giản biên chế làm sao vừa có đội ngũ giỏi làm việc, mà quỹ tiền lương cao để bảo đảm đời sống.
“Không thể,” hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, hành lang pháp lý đầy đủ, không có sự chồng chéo, kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt,” bà Nguyễn Thanh Hải nêu.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Chỉ thị nêu rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra nạn tham nhũng vặt trong cơ quan mình phụ trách, vấn đề là phải triển khai thực sự khả thi, nghiêm minh, mang lại lợi ích thực tế cho người dân, đặc biệt là người dân không còn phải chịu đựng tham nhũng vặt.
“Khi tiếp xúc cử tri, người dân nói những câu rất đau xót, cử tri bảo hiện tượng tham nhũng vặt ở cơ quan này như làm chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư, khai sinh….. người dân biết, doanh nghiệp biết, nhìn rất lộ liễu, tại sao đứng đầu cơ quan đó không biết?” - vị Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, “không thể nói người đứng đầu ở bộ, ngành, cơ quan đơn vị mình không biết là ở khu vực nào, địa chỉ nào có nhũng nhiễu, tham nhũng vặt và không đề ra các giải pháp kiểm tra, thanh kiểm tra, xử lý đối với hành vi tham nhũng vặt.
Chắc chắn người đứng đầu phải biết và nếu tiếp tục để xảy ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”.
Cho biết, Bộ Công an ban hành các quy trình, quy định chặt chẽ trong từng lĩnh vực công tác, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tiêu cực, tham nhũng; đồng thời, công khai, minh bạch trong công tác như công khai số điện thoại đường dây nóng, danh tính cán bộ sai phạm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu quan điểm “việc công khai càng cụ thể, rõ ràng, tình trạng tham nhũng và nhũng nhiễu của cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ sẽ càng giảm”.
Khẳng định Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, việc phổ biến, quán triệt rộng rãi Chỉ thị số 10/CT-TTg có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng đưa ra 10 yêu cầu với các cấp, các ngành, trong đó nhấn mạnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, nội dung yêu cầu của Chỉ thị ở tất cả các cấp, các ngành một cách nghiêm túc, thực chất và đạt hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Gắn việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với việc thực hiện tốt công tác dân vận và các nhiệm vụ của “Năm dân vận chính quyền” với phương châm: “Có dân, tham nhũng lớn cũng diệt được. Thiếu dân, “tham nhũng vặt” cũng dẹp không xong”.
Từng bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trọng tâm trọng điểm, các khâu, các lĩnh vực, vị trí quản lý nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm để tăng cường thi hành các biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh; phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm để bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị.
“Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Chỉ thị; nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước; phải coi đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” làm một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, theo dõi, giám sát, đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững./.