Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua luật về đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu đặc khu như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt. Trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với quy trình chặt chẽ như vậy thì sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.
Cũng liên quan đến vấn đề đặc khu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Với tầm nhìn của 1 Phó giáo sư kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc xây dựng thành công 3 đặc khu với nền kinh tế Việt Nam? Mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế tại 3 đặc khu với sự đảm bảo an ninh, kinh tế, sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia theo các khoảng thời gian tầm nhìn 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa về việc này?”.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết, trên thế giới, các đặc khu ra đời là nơi để thí điểm thể chế và để tạo ra các cực tăng trưởng. Việt Nam cũng đang cân nhắc các vấn đề, lợi ích đặt ra cũng như việc đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia. Quốc hội cũng đang có thảo luận về luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với những nội dung tương tự đặt ra để cân nhắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, cả nước có 2 đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội, TP.HCM và 7 vùng kinh tế trọng điểm khác. Vì vậy việc ra đời các đặc khu cũng không có tác động, ảnh hưởng gì với việc đầu tư cho 2 đầu tàu kinh tế và 7 vùng kinh tế trọng điểm này.