Theo đó, ông Nguyễn Minh Tuấn vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu VGC trong thời gian 21/2 đến 21/3 theo phương thức khớp lệnh.
Trước giao dịch, ông Tuấn đang nắm giữ 708.000 cổ phiếu VGC. Mục đích giao dịch lần này được báo cáo là đầu tư cá nhân.
Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên sáng 20/2, cổ phiếu VGC đứng tại mức giá 20.500 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính theo mức giá này, ông Minh Tuấn sẽ chi ra khoảng 20,5 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phiếu VGC trên.
Mới đây ngày 2/1/2019, HoSE đã chấp thuận cho Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 4.483 tỷ đồng.
Việc chuyển sàn niêm yết sang HoSE không chỉ giúp cổ phiếu thu hút sự quan tâm của giới đầu tư mà còn là tiền đề cho việc thoái gần 54% vốn của Bộ Xây dựng tại Tổng Công ty Viglacera trong năm 2019.
Năm 2018, Bộ Xây dựng đã triển khai đợt chào bán gần 80,6 triệu cổ phần VGC nhằm giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống 36%. Giá khởi điểm đưa ra cao hơn khoảng 10% so với thị giá thời điểm đó, ở mức 26.100 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do diễn biến thị trường không thuận lợi, Bộ đã không thoái vốn thành công, tỷ lệ sở hữu nhà nước vẫn ở mức 53,97%.
Trước đó, Tổng công ty Viglacera chào bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 20/2/2014 và bán thành công gần 20 triệu cổ phiếu. Đến 15/10/2015, Viglacera chính thức được giao dịch trên UPCoM với mã VGC. Vào 22/12/2016, VGC chính thức niêm yết trên sàn HNX với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, Viglacera ghi nhận doanh thu năm 2018 đạt 9.013 tỷ, giảm nhẹ 2% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế Công ty theo đó cũng giảm so với năm 2017, về mức 843 tỷ đồng và chỉ xấp xỉ kế hoạch năm.