Aa

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: “Nếu lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá rất đắt“

Thứ Ba, 22/06/2021 - 16:00

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nếu lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá rất đắt về mọi mặt.

Từ những nguy cơ hiện hữu với nhiều diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, để thông báo sớm, cảnh giác cao, phòng từ xa, tránh lơ là, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tiếp tục ban hành công điện tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, chiều 21/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã có công điện về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều công điện, công văn liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19.

Công điện lần này có nhiều điểm đặc biệt hơn, ban hành khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương… với nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và lây nhiễm trong các khu công nghiệp, rất khó khăn cho việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Đây là những tỉnh, thành phố có nhiều người dân Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, làm việc và đặc biệt tại Nghệ An là tỉnh tiếp giáp Thanh Hóa đã phải thực hiện phong tỏa toàn bộ thành phố Vinh và một số địa phương khác.

Tại Thanh Hóa, tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, rải rác các ca bệnh xâm nhập đều đã được giám sát, phát hiện sớm, chạy đua với thời gian, xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế được tối đa số trường hợp tiếp xúc F1, F2, không để lây lan diện rộng. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở một bộ phận người dân và một số địa phương. Đây là những nguy cơ hiện hữu, cả do khách quan và chủ quan, rất đáng lo, có thể khiến dịch xâm nhập và bùng phát bất cứ lúc nào.

Thanh Hoá
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chống dịch ở huyện Thiệu Hóa (Ảnh tư liệu)

Vì thế, lần này, Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng việc kiểm soát người về từ các tỉnh, thành phố có dịch (đặc biệt là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương…) và thực hiện nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt nhất công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các khu vực trọng điểm như khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, các khu vực tập trung đông người…

Việc đầu tiên và quan trọng nhất đối với Thanh Hóa lúc này là phải thông báo sớm, cảnh giác cao, phòng từ xa và nếu có dịch xâm nhập thì luôn luôn chủ động các kịch bản đối phó để kiểm soát tốt tình hình, thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt người đi, đến các địa phương trong nước trở về tỉnh theo các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh như: Tất cả những người đi, đến và trở về từ các điểm dịch, các khu phong tỏa, khu cách ly, giãn cách, các mốc dịch tễ theo thông báo của Bộ Y tế phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày và được lấy mẫu làm xét nghiệm tối thiểu 03 lần; tất cả những người đi, đến và trở về từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương không từ các điểm, mốc dịch tễ nêu trên theo thông báo của Bộ Y tế thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày và được lấy mẫu làm xét nghiệm tối thiểu 03 lần; các đối tượng còn lại khi trở về tỉnh phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà tối thiểu 02 ngày…

Việc kiểm soát người đi, đến các địa phương trong nước trở về tỉnh là nêu cao tinh thần phòng từ xa. Bởi hiện tại tình hình dịch trong tỉnh đang được kiểm soát tốt, điều cần thiết là phải phòng xa các nguy cơ xâm nhập từ địa phương khác. Thực tế phòng chống dịch thời gian qua cho thấy, một số tỉnh thành để dịch xảy ra chính là do việc kiểm soát người chưa nghiêm ngặt, còn tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với các nguy cơ. Nếu lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá rất đắt về mọi mặt: Sức khỏe của nhân dân, tình hình an ninh tại địa phương, rồi phát triển kinh tế bị đình trệ…

Không những kiểm soát nghiêm ngặt người đi, đến các địa phương khác trở về tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo hàng loạt các biện pháp như: Kiểm soát nguy cơ từ 2 địa phương đang bùng phát dịch sát với Thanh Hóa là Nghệ An và Hà Tĩnh; việc tiếp nhận công dân, người nước ngoài nhập cảnh cách ly tại tỉnh theo đề xuất của Bộ Tư lệnh Quân khu 4; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng Nghi Sơn và cửa khẩu Na Mèo; 8 chốt kiểm soát liên ngành…

Đặc biệt, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo rất cụ thể các biện pháp thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kiểm soát nguy cơ dịch. Theo đó, từ ngày 25/6, giao Ban quản lý khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thống nhất với các doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí, phối hợp với cơ quan y tế địa phương và các cơ sở xét nghiệm có đủ năng lực, thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ 10 ngày 01 lần cho ít nhất 50% người lao động bằng test nhanh kháng nguyên (đối với các cơ sở có số người lao động dưới 1.000 người), 20% (đối với cơ sở có số lao động từ 1.000 - 10.000 người) và 10% (đối với cơ sở có số lao động trên 10.000 người) để kịp thời chủ động tầm soát, phát hiện, kiểm soát nguy cơ dịch, duy trì hoạt động sản xuất; nếu có kết quả xét nghiệm nghi ngờ hoặc dương tính thì chuyển CDC Thanh Hóa xét nghiệm khẳng định.

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã chỉ ra rất rõ các nguy cơ, đồng thời yêu cầu thực hiện các biện pháp cấp bách một cách rất cụ thể đối với các đơn vị, cơ quan, ban ngành, địa phương của tỉnh trong công tác phòng chống dịch nói chung. Việc làm này nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ quan, ban ngành thấy rõ trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế.

Trước ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vừa qua, tại huyện Thiệu Hóa bỗng xuất hiện ca bệnh Covid-19 do người lao động từ địa phương khác trở về, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến từng địa điểm liên quan, chỉ đạo sát sao các biện pháp xử lý và phòng chống dịch. Nhờ đó, những yếu tố nguy cơ liên quan ca bệnh này đã được kiểm soát tốt, không để lây lan cho người khác, tình hình nhanh chóng được ổn định. Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp, cũng một phần nhờ vào những hành động quyết liệt, cụ thể, khoa học của lãnh đạo tỉnh.

Điều đó cũng lý giải cho câu hỏi vì sao sau khi xuất hiện một số ca bệnh Covid-19 xâm nhập, tỉnh Thanh Hóa đã khống chế, dập dịch thành công.

“Thông báo sớm, cảnh giác cao, phòng từ xa, chủ động ngay, tránh lơ là; nếu dịch xảy ra thì không bị động, nhanh chóng kiểm soát tình hình…, tất cả vì mục tiêu giữ vững sự ổn định và phát triển trên mọi phương diện”, đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top