Tỉnh Phú Thọ hiện có 13 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 11 huyện. Mỗi ĐVHC cấp huyện đều có trụ sở Đảng ủy, HĐND - UBND cùng nhiều cơ sở sự nghiệp do huyện quản lý.
Ở cấp xã, Phú Thọ có 207 ĐVHC, bao gồm 180 xã, 15 phường và 12 thị trấn. Hầu hết các trụ sở Đảng ủy, HĐND - UBND cấp xã đều nằm chung một khu vực, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý.
Sau khi tỉnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã từ 207 xuống còn 66 đơn vị (giảm 141 ĐVHC, còn 7 phường và 59 xã), hàng trăm trụ sở làm việc sẽ rơi vào tình trạng dôi dư và cần phương án xử lý.
Theo báo cáo phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị khi thực hiện sắp xếp, hợp nhất ĐVHC của Sở Tài chính Phú Thọ, đối với trụ sở Thành ủy và UBND thành phố Việt Trì, dự kiến sẽ bố trí làm nơi làm việc cho hai đơn vị cấp sở.
Đối với 12 đơn vị cấp huyện còn lại, trụ sở sẽ ưu tiên bố trí cho các cơ quan, đơn vị cấp xã mới thành lập hoặc các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu sử dụng. Có thể bố trí một trụ sở cho nhiều cơ quan, đơn vị cùng sử dụng nhằm tránh lãng phí.

Phú Thọ lên phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất của hàng trăm cơ quan, đơn vị khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. (Ảnh minh họa)
Tại các xã mới sáp nhập từ 2 ĐVHC, sẽ bố trí một trụ sở chung cho Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, HĐND và UBND; đồng thời, bố trí một trụ sở riêng cho cơ quan công an và quân sự.
Với các xã sáp nhập từ 3 đến 5 ĐVHC, sẽ bố trí 1 trụ sở cho Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; 1 trụ sở cho HĐND, UBND và 1 trụ sở cho công an, quân sự. Đối với các xã không sáp nhập, cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên hiện trạng để tiếp tục sử dụng.
Phần còn lại của các trụ sở cấp xã, huyện sau sáp nhập sẽ được ưu tiên chuyển đổi công năng để sử dụng làm cơ sở y tế, giáo dục hoặc cho các mục đích công cộng khác. Những trụ sở không có nhu cầu sử dụng sẽ được thu hồi và giao cho đơn vị có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương khai thác, quản lý theo quy định.
Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác, sẽ được phân bổ theo nguyên tắc: đơn vị nào tiếp nhận nhiệm vụ sẽ được nhận kèm tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện công tác chuyên môn.
Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: "Việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy cần phải tận dụng tối đa tài sản hiện có, tránh lãng phí và phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị hành chính".
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị và xử lý tài sản công trình UBND tỉnh phê duyệt. Tất cả phải được thực hiện đồng bộ, đảm bảo các xã mới đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/7/2025./.