Aa

Phú Thọ thu hồi vượt hơn 333ha đất so với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt

Thứ Năm, 13/02/2020 - 14:17

Theo Thanh tra Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt hơn 333ha so với quy hoạch đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm luật đất đai.

Thu hồi vượt 333,34ha đất cho hoạt động khoáng sản

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 - 2017).

Theo kết luận của TTCP, trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Phú Thọ chưa kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ và chưa kịp thời ban hành một số văn bản như: việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản ở từng giai đoạn, khu vực không đấu giá quyền khai thác.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 8/2008) và Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 hướng dẫn thực hiện nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản thì UBND tỉnh Phú Thọ phải ban hành quy định, hướng dẫn tính phí, thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt đọng khai thác khoáng sản.

TTCP kết luận nhiều sai phạm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản tại tỉnh Phú Thọ.

Tuy nhiên, đến ngày 16/11/2015, UBND tỉnh Phú Thọ mới ban hành Quyết định số 15/2015/QĐ-UBND về việc quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, chậm 7 năm so với quy định.

Trong giai đoạn 2006 - 2017, sản lượng kê khai nộp phí bảo vệ môi trường là hơn 21,5 triệu (tấn và m3) trong đó giai đoạn 2009 - 2015 có số lượng hơn 7,3 triệu (tấn và m3) theo quy định phải thực hiện quy đổi từ số lượng quặng khoáng sản thành phẩm ra số lượng quặng khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, nhưng UBND tỉnh Phú Thọ không thực hiện, các sở ngành chức năng cũng không tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện, dẫn đến thất thu đáng kể cho Ngân sách nhà nước.

Kết luận thanh tra khẳng định, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn 2006-2010 định hướng đến năm 2020 được Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt không xác định khu vực điểm mỏ và loại khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản chưa kịp thời, chậm.

Theo TTCP, giai đoạn từ 2006 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi đất cho hoạt động khoáng sản vượt 333,34ha so với quy hoạch đất được Chính phủ phê duyệt, vào các loại đất khác, vi phạm luật đất đai.

Sai phạm về tài chính hơn 24,1 tỷ đồng

Cũng theo kết luận của TTCP, tại quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 25/8/2014, trong đó có mỏ đá xây dựng xóm Quẽ, xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn vào đất rừng phòng hộ và sản xuất với diện tích 90ha.

Bên cạnh đó, TTCP tiến hành kiểm tra 34 giấy chứng nhận đầu tư thì phát hiện có 20 giấy chứng nhận đầu tư, tại mục ưu đãi đầu tư ghi dự án được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành, không ghi đầy đủ thông tin ưu đãi là vi phạm quy định.

Trong lĩnh vực cấp giấy phép khai thác khoáng sản, năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ cấp gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ (Công ty TNHH Thành Phương khai thác, chế biến Cao Lanh ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông và Công ty TNHH khoáng sản và xây dựng HAT khai thác Sepentin tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn), vi phạm Điều 82, Luật khoáng sản 2010.

Theo TTCP, có 24 giấy phép khai thác khoáng sản cấp phép chưa đầy đủ thủ tục, nội dung và hình thức theo quy định của Bộ Tài nguyên và môi trường. Đáng chú ý, tại dự án mỏ đá xóm Pheo, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn do Công ty cổ phần thi công cơ giới Chiến Thắng làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Phú Thọ cấp lại giấy phép khai thác và mở rộng với diện tích hơn 6,3ha, thời hạn khai thác là 2 năm, nhưng không có quyết định phê duyệt đánh giá hàm lượng, trữ lượng khoáng sản, vi phạm Luật khoáng sản năm 2010.

Về công tác bảo vệ môi trường, tính đến ngày 31/12/2017 tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 159 dự án tại tỉnh Phú Thọ phải nộp hơn 33,7 tỷ đồng. Số tiền đã nộp 21.032,481 triệu đồng, số tiền còn nợ đọng hơn 12,7 tỷ đồng của 52 đơn vị, vi phạm nghị định của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2016 đến 31/12/2017, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 19 dự án do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn, trong đó có 3/19 dự án thực hiện đóng cửa mỏ, còn 16/19 dự án chưa thực hiện đóng cửa mỏ.

Tại kết luận thanh tra, TTCP cũng xác định, các sai phạm về tài chính trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Phú Thọ được phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền hơn 24,1 tỷ đồng.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Ngày 9/1/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 09/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý Kết luận thanh tra số 1886/KL-TTCP ngày 21/10/2019 của TTCP, về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2006 - 2017). 

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức thực hiện các kiến nghị của TTCP, có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý những tồn tại, vi phạm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai tác tài nguyên khoáng sản.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top