Aa

Phức tạp như cái… vỉa hè!?!

Thứ Tư, 01/03/2017 - 07:16

Chúng ta cũng cần những con phố có vỉa hè phong quang, sạch đẹp, để người đi bộ có thể thong dong rảo bước nhìn ngắm phố phường. Nhưng, chúng ta cũng cần những giải pháp đồng bộ, dài hơi của các cơ quan chức năng, để giải những bài toán nan giải về việc mưu sinh của những người dân vốn chỉ biết sống nhờ vỉa hè, những thói quen ăn uống trên đó và cả chỗ dừng đỗ của các phương tiện giao thông đang tăng lên vùn vụt.

Những ngày qua, dư luận ồn ào trước việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBNQ Quận 1 (TP. HCM) trực tiếp cùng các cán bộ chức năng quyết tâm dọn dẹp, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, trả lại sở hữu đúng nghĩa cho người đi bộ. Hành động gây “sốc” đầu tiên của ông Hải với dư luận đó là việc ông đã cho cấp dưới xử phạt chiếc xe công vụ của một “đồng cấp”, tức xe chở Phó Chủ tịch UBND Quận 9, vì lỗi dừng đỗ sai quy định, dù cả lái xe lẫn người quản lý đều đã có lời…xin.

Sau đó, là hàng loạt các vụ “thẳng tay” của đoàn công tác do ông Hải làm trưởng đoàn. Nhiều chiếc xe biển xanh đã bị chịu chung số phận. Có thể nói, nhiều người dân đã “nín thở” dõi theo từng bước chân của ông Hải và thuộc cấp. Ông Hải và đoàn đi đến đâu, ở đó xảy ra những cảnh phá dỡ, dọn dẹp, thu hồi, lập biên bản. Nhỏ là các vật dụng bán hàng lấn chiếm vỉa hè. Lớn hơn là các xe dừng đỗ, bàn ghế của các hàng quán kê xếp sai quy định.

Lớn nhất, gây ầm ĩ nhất cho đến nay có lẽ là việc ông Hải đã cho phá dỡ cả bốt canh gác bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, do phía đại diện ngân hàng có những giải trình phù hợp, ông Hải đã tiếp tục cho bốt canh gác đó hoạt động trở lại?!?

Sự cương quyết của ông Hải trở thành đề tài tranh luận sôi nổi cả trên báo chí chính thống lẫn các trang mạng xã hội. Người khen không ít, kẻ chê cũng nhiều. Người khen đa phần là những thành phần không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hành động của ông Hải. Đương nhiên rồi. Họ là công dân của các nơi khác, nhưng tỏ ra thích thú, sung sướng khi lâu rồi mới được chứng kiến một vị quan chức cấp quận dám miệng nói tay làm, thẳng băng ruột ngựa. Ngay cả các cơ quan công quyền, ông cũng không hề e dè, nể nang. Thậm chí, gặp cả “mỹ nhân”  là một cô Hoa hậu quý bà, đỗ xe sai quy định, ông cũng không hề vì nhan sắc mà làm siêu lòng quân tử. Phạt. Phạt tuốt. Phạt hết. Bất kể đó là ai. Đó dường như là mệnh lệnh, khẩu hiệu hành động của ông.

Người dân phản ứng khi ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo dẹp vỉa hè ở TP.HCM

Người dân phản ứng khi ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo dẹp vỉa hè ở TP.HCM

Bên cạnh những lời khen ngợi, tung hô, cổ vũ, những người dè bỉu, phản bác ông Hải cũng không ít. Họ là những luật sư, ngồi phân tích tính pháp lý và cho rằng ông Hải không tuân thủ đúng quy trình xử phạt vi phạm hành chính. Họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động của ông Hải, vì từ trước tới nay, vỉa hè đang là khoảnh đất béo bở để họ mưu sinh. Cá biệt, có cả những nhà báo, hotfacebooker lên tiếng phản đối vì cho rằng ông đang là “con rối”, thích “làm màu”, bị giật dây bởi người khác. Một số người vốn nặng về suy diễn thì lại chép miệng: “Chắc có thế lực nào đứng sau bật đèn xanh, ông Hải mới dám làm căng thế chứ?”.

Mặc kệ những lời thị phi đủ kiểu, ông Hải vẫn hừng hực khí thế xung trận. Và có vẻ, quyết tâm của ông ngày một cao hơn. Tất nhiên, ông đã gặp không ít những trở ngại bước đầu. Nhưng, điều đó không khiến ông chùn bước, nhất là khi lãnh đạo Thành phố vừa ra chỉ đạo các quận khác trên địa bàn phải đồng loạt ra quân, chấn chỉnh, sắp xếp lại trật tự vỉa hè, trả lại nó cho người đi bộ, giống như mô hình Quận 1.

Ngoài ra, ở đầu này đất nước, nơi trung tâm Thủ đô, Quận Hoàn Kiếm cũng bắt đầu ra quân, đồng hành cùng Quận 1. Cũng giống như ở Quận 1, cơ quan chức năng của Quận Hoàn Kiếm đang hành động rất quyết tâm, và hứa sẽ duy trì thành nền nếp, không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” hoặc “bắt cóc bỏ đĩa”. Mặc dù, ở Hoàn Kiếm chưa có cán bộ nào thật sự nổi bật lên như ông Hải “hành động”.

Với góc nhìn của mình, tôi hoàn toàn ủng hộ hành động của ông Hải cũng như các quận khác ở TPHCM và Hà Nội. Nhưng, thật sự, tôi không thấy tin tưởng lắm vào tính dài hơi và hiệu quả của những đợt “ra tay” này. Thực tế thì từ nhiều năm nay, cái thuật ngữ "ra quân chỉnh trang đô thị" đã không còn xa lạ với nhiều người. Cứ vài tháng, người ta lại thấy... ra quân một lần. Nhưng kết quả là gì? Hầu như đâu lại vào đấy. Có khi sau đó còn trầm trọng hơn.

Nói thế để thấy động đến vỉa hè là điều ko hề đơn giản. Cả TP. HCM và Hà Nội đều có những điểm giống nhau về "văn hóa vỉa hè". Hầu như con phố, con ngõ nào cũng có đầy rẫy nhấp nhô những hộ dân mưu sinh trên đó. Một lượng lớn công dân của thành phố và những người ngoại tỉnh coi vỉa hè là mảnh đất kiếm sống của họ. Ngoài ra, vỉa hè còn là điểm giao lưu tụ tập của biết bao nam thanh nữ tú. Là nơi dân công sở ngồi  thưởng thức bữa trưa bình dân sau giờ làm việc vất vả. Và điều phức tạp hơn nhiều đó là ngoài hàng quán, vỉa hè còn là nơi các phương tiện giao thông chen nhau dừng đỗ. Chỗ thì phải làm luật. Chỗ thì cứ đỗ bừa.

Có tồn tại thứ gọi là

"Văn hóa vỉa hè" là thứ được định hình ở TP. HCM và Hà Nội.

Dẹp đi, vỉa hè thông thoáng thật, nhưng cái lượng phương tiện bị bốc từ vỉa hè quăng xuống ấy sẽ đi về đâu khi các bãi đỗ xe công cộng chật kín? Khi các chung cư bình dân của đại gia nào đó xây ba mấy tầng mà chỉ có 1 tầng hầm? Còn nhà riêng của hộ dân thì có ông chủ diện tích nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng sở hữu cả vài chiếc xế hộp? Nghe dư luận kháo nhau, sang năm 2018, dòng xe hơi nhập khẩu được miễn thuế nên giá sẽ rất rẻ so với hiện tại. Và đương nhiên nó sẽ được ồ ạt nhập về Việt Nam. Nếu ko có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, những chiếc xe cả mới và cũ ấy sẽ chất lên đâu, nếu một phần không phải là để trái phép trên vỉa hè?

Thực tế cho thấy, hiện nay thói quen đi bộ của người dân ta chưa nhiều. Nếu quan sát, chủ yếu vỉa hè tại các phố trung tâm là để cho khách du lịch nước ngoài đi. Thỉnh thoảng có các cụ già bách bộ ngắm phố phường hoặc các cháu học sinh thẩn thơ khi tan lớp. Còn lại, số cán bộ, công sở, công nhân đi bộ trên vỉa hè để đến chỗ làm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ cần vài bước chân, họ cũng phải ngồi trên xe. Với thói quen ấy, kể cả vỉa hè có quang đãng thật, chưa chắc đã thu hút được đông đảo người đi bộ tham gia.

Và chắc chắn, người ta vẫn lén lút, chờ lúc cơ quan chức năng không có mặt để tranh thủ bày bán hàng hóa, hoặc dừng, đỗ xe chớp nhoáng giải quyết việc riêng. Khi nào thấy bóng cơ quan chức năng thì lại…chạy. Với lượng phương tiện như hiện nay, nếu không có vỉa hè, chắc chắn, lòng đường và các bãi xe công cộng sẽ không đủ sức gánh hết. Họ chẳng còn cách nào khác là phải tranh thủ lén lút tận dụng vỉa hè. Cơ quan chức năng liệu có ra quân xuể?

Chúng ta cần những cán bộ quyết liệt, dám hành động vì việc công như ông Đoàn Ngọc Hải. Chúng ta cũng cần những con phố có vỉa hè phong quang, sạch đẹp, để người đi bộ có thể thong dong rảo bước nhìn ngắm phố phường. Nhưng, chúng ta cũng cần những giải pháp đồng bộ, dài hơi của các cơ quan chức năng, để giải những bài toán nan giải về việc mưu sinh của những người dân vốn chỉ biết sống nhờ vỉa hè, những thói quen ăn uống trên đó và cả chỗ dừng đỗ của các phương tiện giao thông đang tăng lên vùn vụt.

Nếu không giải quyết được tất cả những vấn đề có mối quan hệ cơ hữu với nhau kể trên, chắc chắn, dù có thật nhiều ông Hải nữa, chúng ta cũng chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề phức tạp của đô thị. Cái vỉa hè, tưởng là chuyện nhỏ, nhưng không hề bé đâu!?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top