Aa

PVN thay chủ tịch mới cho Đạm Phú Mỹ

Thứ Ba, 15/01/2019 - 07:41

Đạm Phú Mỹ vừa có tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng thời có “cải tiến” trong việc quản trị nhân sự khi bầu đủ hai Thành viên HĐQT độc lập.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo (DPM) vừa có cuộc họp cổ đông bất thường năm 2019 với sự tham dự của các cổ đông sở hữu 81,9% cổ phần có quyền biểu quyết diễn ra ngày 10/1. Đại hội đồng cổ đông tập trung vào vấn đề nhân sự và điều chỉnh kết quả kinh doanh 2018.

Trong đó, về vấn đề nhân sự, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổng công ty. Việc thay đổi này DPM cho rằng để đảm bảo điều lệ Tổng công ty được cập nhật theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP và dựa trên yêu cầu thực tế trong quản trị, điều hành Tổng công ty.

Cụ thể, cổ đông DPM chấp thuận đơn từ nhiệm Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của ông Đoàn Văn Nhuộm và Bà Nguyễn Thị Hiền, là những người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVFCCo.

DPM cũng song song bầu các Thành viên HĐQT, trong đó có 3 cá nhân được PVN đề cử là ông Nguyễn Tiến Vinh, ông Dương Trí Hội, ông Lê Minh Hồng. Nhóm 4 cổ đông lớn (gồm Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Vật tư Nông nghiệp Đắk Lắk, KWE Beteiligungen, ông Phạm Kỳ Hưng) đề cử ông Trương Văn Hiền.

Kết quả, bộ máy nhân sự cấp cao mới của DPM gồm: Ông Nguyễn Tiến Vinh được bầu làm Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT ông Lê Cự Tân, ông Nguyễn Hồng Vinh; có 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Minh Hồng và ông Louis T Nguyen.

Theo PVFCCo, bộ máy nhân sự mới đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao quan trọng trong ngành dầu khí, phân bón, hoá chất, tài chính.

Chẳng hạn, ông Nguyễn Tiến Vinh - Chủ tịch HĐQT đã có hơn 30 năm công tác trong ngành phân bón, dầu khí. Ông Vình từng là Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ông Lê Cự Tân, thành viên HĐQT, nguyên Chủ tịch HĐQT PVFCCo, đã được HĐQT bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc thay thế ông Đoàn Văn Nhuộm vừa từ nhiệm.

DPM bất ngờ tăng chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận nhưng lại giảm chỉ tiêu sản xuất

DPM bất ngờ tăng chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận nhưng lại giảm chỉ tiêu sản xuất

Tại Đại hội cổ đông, lãnh đạo công ty cũng công bố việc tăng kết quả kinh doanh 2018 thông qua các chỉ tiêu về tài chính, dù điều chỉnh giảm các chỉ tiêu sản xuất.

Tổng doanh thu được DPM điều chỉnh tăng từ 8.577 tỷ đồng lên 9.050 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6%. Còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng thành 730 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau điều chỉnh là 620 tỷ đồng, tăng 67% so với kế hoạch ban đầu. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận điều chỉnh tăng nhưng kế hoạch nộp NSNN lại bị điều chỉnh giảm từ 359 tỷ đồng xuống còn 290 tỷ đồng.

Ngược với các chỉ tiêu tài chính, các sản phẩm do DPM sản xuất lại được kéo giảm. Về sản lượng NPK điều chỉnh giảm mạnh từ 170.000 tấn xuống còn 50.000 tấn. Sản lượng sản xuất UFC85 cũng điều chỉnh giảm từ 13.500 tấn xuống còn 13.000 tấn. Về sản lượng kinh doanh, sản phẩm Đạm Phú Mỹ điều chỉnh giảm từ 820.000 tấn xuống còn 800.000 tấn còn sản lượng kinh doanh NPK được điều chỉnh giảm sâu từ 150.000 tấn xuống còn 35.000 tấn.

Đạm Phú Mỹ từng qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong hoạt động kinh doanh

Đạm Phú Mỹ từng qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong hoạt động kinh doanh

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 - 2025. Dự kiến đến năm 2020, PVN sẽ thoái vốn tại DPM và Đạm Cà Mau (DCM) xuống còn 36% vốn điều lệ. Để đảm bảo hiệu quả thoái vốn tại Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, PVN đã và đang xây dựng phương án tối ưu nhất trong đó bao gồm cả việc hợp nhất 2 đơn vị này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Nếu điều đó xảy ra, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường phân bón, mở rộng hệ thống phân phối bán hàng cũng như các lợi thế về công nghệ, sản phẩm. Ngoài ra, trước diễn biến nhập khẩu phân bón ngày càng tăng, về chung một nhà sẽ giúp hai đại gia giảm cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp phân bón khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, lợi ích cổ đông sau khi hoán đổi cổ phiếu và vấn đề việc định giá doanh nghiệp sau khi hợp nhất cũng là điều phải bàn. Bên cạnh đó, thương hiệu, bao bì sản phẩm sẽ phải thay đổi như thế nào cho phù hợp với thói quen người tiêu dùng.

Việc kiện toàn bộ máy nhân sự của DPM có thể sẽ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp này khi trước đó nhiều người đặt dấu hỏi về yếu tố năng lực của ban quản lý của DPM cũng vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của công ty. DPM có rất nhiều công ty trung gian, đại lý phân phối theo vùng với hoa hồng rất cao.



Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top