Trong ký ức của tôi, hình ảnh mẹ hiện lên gắn bó với đồng quê, vườn quê với bao thương nhớ bồi hồi. Tháng mười là tháng giữa thu, một sắc thu dìu dịu có gì mông mênh như không khí ảo ảnh của những câu chuyện cổ tích. Một sớm mai bạn thức dậy, trời đã hơi se se. Tơ nhện buông chùng giăng mắc những giọt sương long lanh như chuỗi ngọc thời gian ấm nồng hơi đất, hương quê. Quả chín mọng vít vào hương thu theo gió. Lại có những thứ quả chưng cất từ đời mẹ mà chúng ta không thể nhìn thấy được, đó là: quả Phúc, quả Lộc - quả của tâm linh hướng thiện!
Vườn mẹ có màu nâu trầm của đất, sắc vàng hoa cúc ánh lên làm sáng cả một góc vườn, cây thị cổ thụ bà trồng giờ đang còn quả chín - thị thơm vào đêm không ngủ, tóc bạc của bà đêm đêm không ngủ, mỗi sợi tóc là một sợi đêm lật sang ánh sáng ngày. Vườn mẹ có những cây cỏ thơm mùi thuốc bắc, có những luống rau sạch mà mẹ chăm chút bắt sâu hằng ngày cho bữa cơm gia đình ấm cúng, có những tên rau đọc lên thật dung dị, rau tập tàng, rau ngót, rau đay. Rau cũng là một thứ cỏ thần gắn bó với đời sống con người ở chốn thôn quê mộc mạc.
Vườn mẹ có rất nhiều loài chim bay về trong mùa quả chín: chim chào mào đỏ đuôi, chim khách nhẫn nha, chim chích chòe líu lo dậy sớm, chuồn chuồn ớt đỏ thập thò. Vườn mẹ là cái nôi dưỡng sinh từ tấm lòng thơm thảo của mẹ, những lộc biếc đầu cành bao giờ cũng vươn mình về phía có hơi người, có ánh nắng mặt trời ấm áp, tuổi thơ ta lại vươn về phía mẹ, đón nhận vòng tay âu yếm của người.
Con là chồi, mẹ là quả, là hoa. Vườn mẹ trải rộng ra cánh đồng sau mùa gặt. Bao vất vả lo âu, trên đồng khô, đồng cạn nứt nẻ chân chim, rạn cả nếp da người để đổi lấy hạt gạo tròn đầy. Hạt gạo là hạt vàng mười giấu sâu trong vỏ áo trấu thô ráp để nở bung cả nồi cơm đến ngọn khói trên mái rạ cũng thơm hương mới. Mẹ ơi! Tháng mười là tháng của mẹ, mẹ đã mang thai con 9 tháng 10 ngày để chớm sang tháng mười con mới thành hình hài, ra đời trong nhịp thời gian giao hòa như cánh võng.
Một đầu mắc vào tháng giêng phôi thai, đêm tháng mười thật dài, ánh lửa bập bùng soi bóng mẹ, mẹ búi tóc cao hơn, tay áo mẹ ngắn hơn, giọng nói của mẹ ngày một chậm hơn, để con tóc dài hơn, áo con mặc đẹp hơn và giọng hát của con trong hơn. Có lúc nào bạn vẽ chân dung mẹ mình chưa? Bạn thử nhắm mắt lại sẽ hình dung ra mẹ. Mẹ đang đi giữa vườn, nâng niu từng nụ hoa, chống lại cho thân cây gầy đang mùa bói quả, bạn hãy chải mái tóc của mẹ thật dài, suối tóc ấy trải xuống tháng mười cho những mùa sinh sôi, cho những mùa trĩu quả.
Cánh đồng của mẹ tôi có một cây gạo cổ thụ như một lão nông lực lưỡng da dẻ sần sùi nhiều hốc nổi cục. Thế mà màu hoa đỏ ối thắm một màu rực rỡ kiêu hãnh. Những chùm hoa như những chùm chim lửa đậu kín cành. Cả cây gạo như một bó đuốc rừng rực cháy, như muốn phả hơi ấm cái sắc đỏ phù sa ấy vào không gian đồng quê trong những ngày giá buốt. Cây gạo như một chứng nhân để người đi xa nhận ra dáng quê, dáng mẹ. Ai đã đặt tên cho cây là gạo, tên gạo nhưng có làm ra hạt gạo đâu, tên gạo thắm thiết là bóng mát những ngày nắng nôi. Mẹ tôi thật thảnh thơi khi ngả nón bên gốc gạo và thong thả nhai trầu, miếng trầu cũng đỏ như màu hoa gạo ấy.
Mẹ tôi trở lại cánh đồng chính là trở lại những ký ức xa xôi một thuở. Tuổi mẹ gắn với tuổi đồng, tuổi cấy. Tuổi đồng theo mùa, mùa theo vụ gặt. Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, có một phát hiện khá tinh tế khi nhận ra: “Một đời cấy hái chưa xong/ Mẹ lui cho đến lưng cồng vẫn lui”. Và khi cây lúa trĩu bông vít cong xuống thì dáng mẹ lại càng còng hơn với bao gánh nặng lo toan. Không hiểu sao cứ nghĩ về mẹ là tôi lại nghĩ về chiếc đòn gánh dẻo dai và bền bỉ theo suốt đời người: “Chiếc đòn gánh xoắn theo đời mẹ/ Sấp ngửa đi trong gió thổi bời bời”. Mẹ gánh việc nhà và việc nước, gánh cả thời gian tuổi tác, gánh cả cánh đồng.
Cánh đồng của mẹ có khi thu nhỏ trong những bồ, những thúng để rồi giần sàng nhặt nhạnh gom góp cho đủ đầy. Với mẹ, không có gì lép cả, hạt thóc đầy cho hạt gạo căng, hạt cơm thơm, hạt thóc lép thì ủ thành bếp trấu, đến cả vại cà cũng được mẹ đội cho cái chóp nón đã thủng. Những đồ vật nhà nông quanh mẹ nhưng cũng có linh hồn thật sống động. Này cái nia, cái rá, nào cái cuốc, cái cào, này cái nồi, cái chảo bên mẹ mòn theo ngày tháng, nhưng để sáng lên bóng loáng. Mẹ quây quần, mẹ sắp đặt, mẹ nhẩn nha suốt một đời mà không có gì cũ cả. Mẹ gọi tên đưa vào cả một khúc đồng dao ru con qua một mùa trăng: “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm gặt”. Mẹ “gặt” lúa chứ không “cắt”, trong “gặt” có cả sự vỗ về ôm trọn, nâng niu…
Mẹ ta trở lại cánh đồng như về lại cội nguồn mà chỉ ở đó, mẹ mới trở nên hoạt bát, đảm đang biết nhường nào. Mẹ cấy cây mạ hay cấy cả niềm tin, niềm hy vọng, mẹ cấy theo lối thẳng hàng như nếp nhà gia phong muôn thuở. Mẹ đến với cánh đồng là đến với đất đai, chạm tay vào đất đai, bấm chân vào đất đai. Ôi đất đai qua bao lụt bão vẫn ngân ngấn phù sa, dù mùa nắng thì nẻ toác như đôi mắt mẹ rạn trên chim. Bàn tay mẹ đã khâu lại, viền lại, đắp bồi lại những nứt nẻ để ươm cây gieo hạt nảy mầm nhánh thiện cho mùa màng ấm no, ấm no cả lòng người tình người.
Mẹ ta trở lại cánh đồng chính là nơi mẹ trở về gặp gỡ bao bạn bè thân thiết, gương mặt xóm làng. Những bạn bè của mẹ cùng cày ải gặt hái trên cánh đồng một nắng hai sương, cùng đồng cam cộng khổ chính là những bạn hàng xóm gọi nhau qua hàng rào sang uống nước chè xanh ngọt chát hay sẻ chia: "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Những người nông dân thuần chất mộc mạc như củ sắn, củ khoai mà bền lòng đậm đà sắt son tình cảm. Mẹ tôi tin nghề nông, nhà nông, người nông như tin vào đất đai của mẹ, đó là tài sản lớn nhất của một đời người, còn cao hơn bất động sản. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ tôi nói: Bán đất! Dù cơn sốt giá đất đai hiện nay đang quay cuồng. Mẹ bảo: Người còn sinh ra được chứ đất có sinh được đâu! Đất của mẹ là nhà, là vườn và vươn rộng hơn là cánh đồng…
Cánh đồng là nơi mẹ đi qua để đến chợ, đi trong giá rét căm căm, đi trong bước chân cỏ may bám quần, đi qua vụ mùa vừa mới thu hoạch để đem những nông sản mình làm ra đến chợ. Chợ đâu phải là nơi bán mua, chợ còn là hỏi thăm nhau làng trên xóm dưới trao gửi ân tình. Mẹ bán đi nhọc nhằn, mua lại tiếng cười lời chào cởi mở. Mẹ đi qua cánh đồng để đến với chùa làng. Cánh đồng của mẹ đã ươm đã cấy bao niềm tin thiêng liêng cõi tâm linh nhân đức. Mẹ đi trong gió chiều ướp hương lúa làm đồng căng sữa, xào xạc tiếng tre. Và tay mẹ lần tràng hạt, lần những nắng những sương, những nặng những nhẹ, những đầy và vơi, cho và nhận. Tất cả đều tinh khiết, sáng trong về với cõi thiện, cõi phật. Những ngày này giá buốt, rất lâu rồi mới có cái rét lạnh tái tê, mẹ ta lại ngồi trước bếp lửa bập bùng cơi lên hơi ấm từ rạ từ rơm. Mẹ mở vung nồi cơm thơm lan tỏa, mà hạt gạo trắng dẻo vừa ấp ủng sôi như muốn thưa thốt một điều gì với mẹ. Một không gian ruộng đồng, bờ xôi, ruộng mật như cũng đã về đây quây quần quanh mẹ.
Những khi trái gió trở trời, có bát cháo hành, có nồi lá xông sực khói xua đi cảm cúm. Mẹ lo cho các con, các cháu tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi bắt đầu từ những sự chu đáo sâu xa như thế. Vườn mẹ tháng mười mùa này chim khách ít về hơn, nhường lại cho những cánh cò phân vân bước đi trên đồng ruộng. Cánh đồng của mẹ tháng mười sương ẩm ướt thấm dần, ngấm dần vào tóc sương của mẹ.
Mẹ cấy hái một đời, vui nhất khi cắm những cây mạ non run rẩy xuống đồng bùn in ngấn phù sa. Nhánh mạ thì non tơ, đon mạ thì thắt lưng như thắt lòng của mẹ với bao hồi hộp sinh thành nâng niu ấp ủ. Cánh đồng tháng mười của mẹ hứa hẹn mùa gặt bao nhiêu thì lại sàng sảy tuổi mẹ bấy nhiêu. Một đời mẹ chưa mấy khi đi xa, chỉ quẩn quanh từ vườn ra đồng và ra chợ…
Chợ quê tháng mười của mẹ họp ở cuối làng nơi dựng tạm mấy phiên tre, mái rạ mà ấm áp, thân thiết, gần gũi lạ lùng. Quà quê có gì đâu từ những sản phẩm chiết ra, chắt ra từ hạt gạo mà thơm mà lành. Tôi nhiều khi tự hỏi: Sao mẹ lại thích bánh đa đến thế. Cái bánh đa tròn quạt than nướng lên bao nỗi phập phồng thế mà bùi, nghe tiếng vỡ rôm rốp đã thấy ấm lòng.
Cũng từ hạt gạo xay thành bột trắng rồi tráng thành bánh mỏng, rắc vào đó lấm tấm những hạt vừng như gieo bao hạt tình hạt nghĩa, lại phơi qua nắng qua sương cho ngấm cái hồn quê vị quê thơm thảo. Chợ quê tháng mười của mẹ tất cả đều tươi rói và sốt sắng. Mớ tôm, mớ tép mới vớt lên đêm qua ở cầu sông còn búng thon thót. Lũ cua đồng béo núc ních bò rào rạo trong cái giỏ vừa mới bắt về.
Mẹ chưa một lần vào siêu thị. Mẹ bảo: “Mua bán gì mà không nghe mặc cả lên xuống thì mất vui”. Mẹ thèm tiếng người, tiếng chợ. Nghe đã quen tai, mắt đã quen nhìn, người đã quen thuộc. Đời chợ thì dài mà đời người quá ngắn. Và mẹ tôi đến một ngày nào đó không bước nổi chân ra chợ thì lúc ấy mẹ buồn biết bao. Chợ quê tháng mười hình như họp cũng nhanh hơn. Cứ loáng thoáng chen vai, chen bao niềm vui mà không thấy thiếu thừa, đầy vơi hẫng hụt…
Tháng mười của mẹ ơi! Mong sao cho trời chóng sáng. Và bóng mẹ tôi lại in trên vách tường nhà bếp chập chờn. Lửa rơm cứ vun lên mà lửa trấu cứ mãi âm thầm bền bỉ trong không gian riêng của mẹ. Và trong những đêm thao thức khó ngủ tháng 10 ấy, hình ảnh mẹ đồng quê, vườn quê hiện lên thật ám ảnh mà da diết bao tình thương yêu đi suốt cuộc đời con:
“Đồng quê dáng mẹ trong chiều
Mẹ như ngọn khói mỏng theo tháng ngày
Miếng trầu của mẹ đậm cay
Xua đi buốt giá heo may cuối mùa
Mẹ mong về trước cơn mưa
Xòe tay đếm hạt lưa thưa gieo trồng.
Mẹ như khúc ngoặt bờ sông
Một đời bên lở ước mong đắp bồi
Nỗi buồn thì cứ dần vơi
Niềm vui níu lại nét cười ngày xưa
Mẹ giờ sáng nắng chiều mưa
Nhớ quên vẫn ủ giấm chua vào mình
Vại cà chóp nón đội lên
Mẹ đồng quê mặc áo bền phù sa.”
Hà Tĩnh, tháng 10/2022