Aa

Quận Hai Bà Trưng chỉ đạo tạm dừng tuyệt đối công trình xây dựng

Thứ Tư, 24/06/2020 - 16:27

Trước diễn biến căng thẳng khi người dân tòa nhà 189 Minh Khai phản ánh việc chính quyền cấp sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng trên đất lưu không gây nguy cơ mất an toàn về PCCC và ảnh hưởng kết cấu của tòa nhà, UBND quận Hai Bà Trưng (TP. Hà Nội) đã có lệnh tạm dừng tuyệt đối công trình xây dựng nhà ở liền kề.

Đình chỉ tuyệt đối công trình xây dựng

Như Reatimes đã đưa tin, các hộ dân tại tòa nhà chung cư 5 tầng (địa chỉ 189 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) bức xúc trước việc chính quyền địa phương cho phép hộ dân liền kề xây dựng công trình nhà ở trên phạm vi đất lưu không, lối thoát hiểm của tòa chung cư đang có khoảng 60 hộ dân sinh sống.

Theo tìm hiểu, công trình trên đã được cấp Giấy phép xây dựng số 829/GPXD, do ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký. Hiện tại, công trình xây dựng đã thi công đổ cột tầng 3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các hộ dân tại tòa nhà 189 Minh Khai. Người dân cũng cho biết, sau khi có lệnh đình chỉ, công trình xây dựng vẫn cấp tập thi công trước sự im lặng đến khó hiểu của chính quyền phường Minh Khai và quận Hai Bà Trưng.

Về những vấn đề nêu trên, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, thửa đất số 81 ngõ 185 Minh Khai (vị trí xây dựng công trình nhà ở) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) số CG476997 ngày 23/2/2017 , cho chủ sở hữu là ông Nguyễn Mạnh Hà và bà Nguyễn Thị Hằng.

Trên cơ sở yêu cầu của công dân theo thủ tục hành chính, ngày 2/11/2018, UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng số 82/GPXD cho chủ đầu tư là ông Nguyễn Mạnh Hà và bà Nguyễn Thị Hằng với quy mô 4 tầng + tum thang (điều chỉnh, gia hạn giấy phép ngày 7/1/2020). Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020.

Công trình xây dựng  nhà ở đã được cấp Giấy phép xây dựng số 829/GPXD, do ông Vũ Đại Phong - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký. Hiện công trình  đã thi công đổ cột tầng 3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các hộ dân tại tòa nhà 189 Minh Khai.

Liên quan đến những nội dung tố cáo của người dân, UBND quận Hai Bà Trưng cũng thông tin, đơn vị này đã nhận được đơn thư qua đường bưu điện của công dân tòa nhà 189 Minh Khai, yêu cầu dừng công trình trái pháp luật và xây dựng trên đất lưu không. Sau đó, UBND quận đã chỉ đạo Ban tiếp công dân chuyển đơn của công dân đến UBND phường Minh Khai phối hợp Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời công dân.

Ngày 15/6/2020, UBND phường Minh Khai có Báo cáo số 179/UBND về việc xử lý đơn thư liên quan công trình xây dựng nhà ở tại số 81, ngõ 185 Minh Khai. Theo đó, UBND phường đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công xây dựng công trình để giải quyết đơn của công dân.

Cùng ngày, UBND quận đã họp và chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND phường Minh Khai đình chỉ tuyệt đối công trình xây dựng, tập trung đảm bảo an ninh trật tự khu vực và rà soát hồ sơ, xử lý vụ việc, trả lời công dân theo quy định.

Đại diện quận Hai Bà Trưng khẳng định, hiện công trình xây dựng trên bị tạm dừng đến khi được cơ quan chức năng cho phép tiếp tục thi công. Vị này cũng đề nghị PV tiếp tục làm việc với UBND phường Minh Khai để có thông tin chi tiết về vụ việc trên.

Uẩn khúc gì trong việc cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng?

Theo quan sát của PV, công trình xây dựng nhà ở được xây dựng trên diện tích đất có một phần là lối thoát hiểm, khoảng không phía sau tòa nhà 5 tầng. Điều đáng nói, người dân cũng cho rằng phía dưới công trình xây dựng nhà ở có diện tích là cống thoát nước chung của khu vực.

Người dân cho biết thêm, tình trạng lấn chiếm đã diễn ra từ lâu và nhiều lần phản ánh nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Bất ngờ, ngày 17/11/2000, UBND TP. Hà Nội đã cấp sổ đỏ mảnh đất này cho bà Trần Thị Liễu và ông Phạm Minh Hoàn. Vào năm 2005, người dân trong khu vực đã có đơn phản ánh với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất và dừng cấp phép xây dựng trên thửa đất này.

Đáng chú ý, ngày 29/7/2005, Phòng Xây dựng - Đô thị quận Hai Bà Trưng đã ban hành Công văn số 29/XD-ĐT, sau khi có ý kiến phản ánh của các hộ dân tòa nhà 189 Minh Khai. Công văn trên nêu rõ: “Qua tham vấn ý kiến của chuyên viên Phòng quản lý cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi kiểm tra, xác minh thực địa, tại vị trí xin phép xây dựng của bà Liễu không thể giải quyết được vì gây mất độ thông thoáng che lấp ánh sáng khu cầu thang của các hộ cần có giải pháp khác cho hợp lý”.

Thời điểm đó, chính UBND phường Minh Khai cũng đưa ra ý kiến đề nghị tạm dừng cấp giấy phép xây dựng để kiểm tra, xác minh rõ nguồn gốc sử dụng đất và quy trình cấp sổ đỏ của gia đình bà Liễu.

Theo phản ánh, thửa đất được cấp sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng trên diện tích đất có một phần là lối thoát hiểm, khoảng không phía sau tòa nhà 5 tầng 189 Minh Khai.

Vậy nhưng, mảnh đất trên sau đó đã được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Mạnh Hà và bà Nguyễn Thị Hằng. Đến ngày 2/11/2018, UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng số 82/GPXD cho chủ đầu tư là ông Nguyễn Mạnh Hà và bà Nguyễn Thị Hằng.

Điều các hộ dân tại chung cư 189 Minh Khai cảm thấy khó hiểu đó là, suốt 15 năm qua, chính quyền địa phương chưa có một câu trả lời thỏa đáng về việc tại sao lại cấp sổ đỏ cho thửa đất trên. Rõ ràng từ năm 2005, sau khi có đơn thư phản ánh của người dân, chính quyền địa phương thời điểm đó đã khẳng định cần xác minh rõ nguồn gốc sử dụng đất và quy trình cấp sổ đỏ của gia đình bà Liễu.

Chính việc không xử lý dứt điểm nội dung trên, sau này đã dẫn đến việc xảy ra các giao dịch chuyển nhượng nhà đất, cấp đổi, đăng ký biến động đất đai. Và cũng từ đây, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đã căn cứ vào hồ sơ và cấp giấy phép xây dựng cho ông Nguyễn Mạnh Hà, bà Nguyễn Thị Hằng (người nhận chuyển nhượng thửa đất trên).

Không biết rằng, các bộ phận chuyên môn và người có thẩm quyền ký, cấp giấy phép xây dựng (thuộc quận Hai Bà Trưng) có xem xét các nội dung tại Công văn số 29/XD-ĐT ngày 29/7/2005 của chính Phòng Xây dựng - Đô thị quận Hai Bà Trưng ban hành không? Hay là, trong quá trình kiểm tra hồ sơ, xác minh thực địa, soạn thảo giấy phép, thẩm tra, ký duyệt và cấp giấy phép xây dựng, các đơn vị có liên quan đã tìm ra “giải pháp khác cho hợp lý” hơn?

Ở đây cũng cần phải nhắc thêm đến vai trò và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội trong việc cấp sổ đỏ, cấp đổi, đăng ký biến động đất đai cho thửa đất trên (từ thời điểm năm 2000 đến năm 2017). Về vấn đề này, hiện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã giao cho Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận thông tin và trả lời PV.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Hà Nội yêu cầu Giám đốc, hai phó Giám đốc Sở TN-MT “nghiêm túc rút kinh nghiệm”!

Theo thông tin báo chí đăng tải tháng 5/2020, UBND TP. Hà Nội đã có Kết luận nội dung tố cáo của bà T.T.B. đối với ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT). Theo đó, công dân tố cáo ông Nguyễn Trọng Đông tiếp tay, bao che cho đường dây cấp và sửa chữa giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trái quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kết luận các nội dung, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở TN-MT kiểm tra, rà soát đề xuất giải quyết, báo cáo UBND thành phố việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số …015 và số …013.

Đồng thời yêu cầu ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở, các ông Bùi Duy Cường và ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố;

Nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với ông Cấn Xuân Quý, chuyên viên Chi cục Quản lý đất đai; kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trịnh Quế Lâm, Thường trực Bộ phận Tiếp công dân. Bên cạnh đó, thông báo rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Hữu Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Sở trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top