Aa

Quận Hai Bà Trưng: Vỉa hè bị lấn chiếm làm bãi xe, thu phí vượt quy định

Thứ Hai, 02/11/2020 - 13:20

Điểm trông giữ xe trên tuyến phố Bà Triệu (đối diện Vincom) thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã và đang bị một tổ chức chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Lấn chiếm vỉa hè - thu phí vượt quy định Nhà nước ban hành

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm sức ép về nhu cầu gửi xe của người dân nhưng các bãi đỗ xe nói chung trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu. Nhiều khu vực được quy hoạch làm điểm, bãi gửi xe nhưng chậm triển khai hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu vực bãi gửi xe khác thì tự ý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.

Chuyên gia nghiên cứu về giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy từng chia sẻ: "Do không tính toán, cân đối được lượng xe đi và xe đỗ khiến các quy hoạch đã bị “vỡ” và đó chính là chỗ hở, yếu kém của quy hoạch Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung. Mặt khác, nhiều bãi đỗ xe được lập ra theo đúng mục đích, tên gọi của nó, nhưng sau đó lại bị biến tướng thành các dịch vụ khác.

Điều này thể hiện sự yếu kém trong tổ chức quản lý, thực hiện của Hà Nội và các sở ngành, đồng thời có khả năng xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực đằng sau. Để giải quyết bài toán về điểm đỗ xe, cần khuyến khích triển khai xây dựng những bãi xe ngầm, trên cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp xây dựng kế hoạch, quy hoạch để các cơ quan, công trình,... đều có bãi trông xe, hay khuyến khích, đẩy mạnh triển khai áp dụng các mô hình đỗ xe thông minh, qua đó mới làm giảm căng thẳng về các điểm đỗ xe".

Trong quy hoạch hiện nay, tại các đô thị lớn đã bắt đầu có thêm các bãi đỗ xe công cộng. Tại Hà Nội, các bãi đỗ xe nổi đã xuất hiện nhưng mới chỉ là những bãi đỗ xe tập trung lớn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân nên tình trạng để xe trên vỉa hè lòng đường vẫn tràn lan mà chưa có sự kiểm soát.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, 06 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở Giao thông Vận Tải Hà Nội đã ban hành 32 kế hoạch, phương án và 915 văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tập trung chỉ đạo các Đội Thanh tra Giao thông quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trông giữ phương tiện không phép, sai phép. Đặc biệt, tại các điểm trông giữ phương tiện có ứng dụng công nghệ Iparking .

Chỉ đạo các Đội phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, như các hành vi lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, treo đặt biển quảng cáo, băng rôn sai quy định che khuất tầm nhìn… gây cản trở giao thông, mất trật tự an toàn giao thông.

Điểm trông giữ xe trên tuyến phố Bà Triệu (đối diện Vincom) thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã và đang tự tung tự tác "móc túi" khách hàng.

Trước đó, tháng 3/2017, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội – đơn vị thực hiện nhiệm vụ về công tác đảm bảo trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố. 

Năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Năm 2019, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018 đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Thế nhưng, hiệu quả chỉ duy trì trong thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục diễn ra, thậm chí có thời điểm còn tăng mạnh, kéo dài đến thời điểm hiện tại, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết...

Một thực trạng tại điểm trông giữ xe trên tuyến phố Bà Triệu (đối diện Vincom) thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã và đang tự tung tự tác "móc túi" khách hàng. Phóng viên (PV) đã có nhiều buổi ghi nhận được toàn bộ vỉa hè tuyến phố này đều bị một tổ chức chiếm dụng 100% diện tích làm điểm trông giữ xe.

Nhân viên tại điểm trông giữ xe (đối diện Vincom Bà Triệu) thu phí gửi xe vượt quy định Nhà nước ban hành.

Tại điểm trông giữ xe này, dù phần vạch kẻ phân chia đường cho người đi bộ đã được thể hiện rất rõ ràng nhưng chủ các bãi giữ xe vẫn "chiếm giữ" toàn bộ diện tích dành cho người đi bộ đã được thành phố quy định.

Điểm trông giữ xe này nhân viên còn tự thu phí cao hơn mức quy định. Qua quan sát PV ghi nhận khách tới gửi xe vào viện ban ngày bị nhân viên thuộc Công Ty thu với mức giá 10.000 VNĐ/01 xe.

Theo nhân viên của tổ chức trông giữ xe này thông tin đây là bãi xe thuộc công ty, giá vé ngày hay đêm đều là 10.000 VNĐ cho một lượt. Ngoài ra, trên các tấm biển trông giữ xe tại đây không đề tên đơn vị quản lý, cũng không có bất kỳ thông tin giấy phép, diện tích sử dụng được cấp theo quy định.

Chị V.A một khách hàng gửi xe cho biết: “Thực ra người dân không biết rõ giá vé gửi xe cụ thể là bao nhiêu, phần lớn người trông xe bảo bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Vì nhu cầu cần gửi nên phải gửi thôi… Còn bảo phản ánh người dân cũng đâu biết gọi cho ai, vài nghìn lẻ gọi báo mất thời gian. Nhưng đúng là bãi xe để hết vỉa hè, đi xuống lòng đường rất nguy hiểm”…

Để làm rõ các vấn đề liên quan PV đã liên hệ đến UBND quận Hai Bà Trưng nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi chính thức nào.

Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng - cơ quan chức năng cần xử lý nhanh chóng 

Hệ luỵ từ điểm trông giữ xe nằm ngay trên tuyến phố trung tâm (phố Bà Triệu) đã đẩy người tham gia giao thông xuống lòng đường bất chấp nguy hiểm; khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn; cảnh quan không gian đô thị nhếc nhác.

Theo nhân viên của tổ chức trông giữ xe này thông tin đây là bãi xe thuộc công ty, giá vé ngày hay đêm đều là 10.000 VNĐ cho một lượt. Ngoài ra, trên các tấm biển trông giữ xe tại đây không đề tên đơn vị quản lý, cũng không có bất kỳ thông tin giấy phép, diện tích sử dụng được cấp theo quy định.

Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố.  

Cụ thể: Khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008). Pháp luật quy định rõ về mục đích sử dụng của lòng đường và hè phố là để cho mục đích giao thông, nếu sử dụng vào mục đích khác là trái với quy định của pháp luật. Các hoạt động khác trên đường phố nhằm mục đích hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội chỉ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Điều 35. Các hoạt động khác trên đường bộ 2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy; i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép Bên cạnh đó, hè phố có thể được sử dụng cho mục đích khác được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng chỉ được sử dụng tạm thời và phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 25a Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây: 

a, Tuyên truyền chủ trường, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;

b, Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ;

c, Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời hạn sử dụng hè phố không quá 48 giờ;

d, Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;

đ, Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a, Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;

b, Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng nhưng tại sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội? Dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe để chấm dứt thực trạng trên? Lực lượng quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng đang ở đâu?

Theo quy định tại Khoản 14, Mục 4, Phần 2 Thông tư 04/2008/TT-BXD thì không phải lúc nào vỉa hè cũng cấm hoạt động kinh doanh, buôn bán. Một số công trình, tuyến phố đặc thù được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;

b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;

c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.

Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014, quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng.

Chế tài, hành lang pháp lý đã rõ ràng nhưng tại sao tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn liên tục xảy ra trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và TP Hà Nội nói chung? Phải chăng chế tài và mức xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe để chấm dứt thực trạng trên hay các cơ quan chức năng địa phương đang buông lỏng quản lý khiến những quyền lợi chính đáng của người dân thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top