Vai trò của đơn vị quản lý
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự hiện diện của các công ty có mô hình quản lý BĐS chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm các dự án, gia tăng giá trị cho dự án BĐS.
Theo thống kê từ Savills Việt Nam, hiện các dự án trung tâm thương mại, văn phòng cao ốc, căn hộ cao cấp… đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Đà phát triển mạnh dẫn đến sự gia tăng nhu cầu quản lý BĐS.
Tại Việt Nam, do thói quen kinh doanh và mức độ phát triển của thị trường, các đơn vị quản lý BĐS chủ yếu cung cấp dịch vụ bảo trì, vệ sinh, an ninh cho các chung cư, khu đô thị mới, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, quản lý BĐS không chỉ là những công việc trên, mà còn đảm trách phần đối nội, đối ngoại, nhân sự và tài chính giữa các bên liên quan, từ chủ đầu tư đến ban quản trị tòa nhà. Nếu tất cả những công đoạn này được đảm bảo, sẽ giúp gia tăng giá trị BĐS của các chủ sở hữu.
Một dự án nếu được quản lý bởi một đơn vị chuyên nghiệp, niềm tin cũng như “tâm trạng muốn mua” của khách hàng vào dự án sẽ được củng cố hơn rất nhiều.
Chia sẻ với Báo Đầu tư BĐS, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thiết bị và Xây dựng Việt Nam (Videc) cho biết, việc vận dụng cách quản lý tòa nhà chuyên nghiệp, hiện đại, trước hết mang lại những ích lớn cho chính những cư dân tòa nhà đó. Chẳng hạn, hệ thống các camera giám sát, thẻ từ đi lại, thẻ từ xe máy, ô tô…, sẽ giúp hạn chế việc đi lại tự do của những người không thuộc tòa nhà, phòng tránh trộm cắp. Mặt khác, việc vận dụng các thiết bị hiện đại như cứu hỏa, nội thất thông minh, mô hình quản lý hiện đại được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, mang lại lợi ích cho ban quản lý tòa nhà, giảm về chi phí, giảm nhân sự…
Đối với những sản phẩm mở bán, việc vận dụng mô hình quản lý chuyên nghiệp cũng mang lại độ “sang” hơn, tạo thuận lợi cho công tác bán hàng.
Bước dần tới sự chuyên Nghiệp
Bà Trần Minh Ái, Giám đốc Bộ phận Quản lý BĐS, Savills TP.HCM nhận định, thị trường đầy tiềm năng này thật sự là một mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị quản lý BĐS, tuy nhiên, cách khai thác hiệu quả thực sự không hề đơn giản.
Theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có tối thiểu các phòng hoặc bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, bao gồm kỹ thuật; bảo vệ, an ninh; dịch vụ, lễ tân và vệ sinh, môi trường. Các thành viên Ban giám đốc và các cán bộ làm việc trong các phòng, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ phải có trình độ chuyên môn tương ứng với vị trí công việc và phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiêu chí như đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, khả năng đáp ứng nhu cầu, để được lựa chọn, các đơn vị quản lý cũng phải áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian cho cư dân, ban quản lý và cả chủ đầu tư.
Theo kinh nghiệm của Savills, những chương trình dành riêng để hỗ trợ các chủ căn hộ “mua cho thuê” hiện rất phổ biến. Nhiều chủ đầu tư dạng này chia sẻ, các thương hiệu quốc tế giúp họ hiểu được rõ hơn giá trị của việc sở hữu một đại diện quản lý chuyên nghiệp bởi hiệu quả dài hạn.
“Thị trường BĐS Việt Nam đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi ngày càng nhiều dự án chung cư, văn phòng đi vào khai thác và vận hành. Sự phát triển này thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực quản lý BĐS.
Do đó, sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý BĐS được dự đoán sôi động hơn trong thời gian tới, buộc các doanh nghiệp không ngừng chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý của mình”, bà Ái nhận định.