Tôi rời làng từ năm 18 tuổi, đi học rồi ở lại thành phố làm việc. Tính từ ngày đó đến giờ đã 45 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, thi thoảng tôi vẫn về làng. Nhưng có một chuyến về làng mà tôi coi đó là một cuộc hành hương trở về nơi chốn thiêng liêng nhất của tôi mỗi năm một lần. Đó là trở về quê ăn Tết. Tôi cũng muốn nói rằng trở về quê hay trở về một nơi nào đó không quan trọng mà điều quan trọng là trở về một nơi chốn để đoàn tụ với những người thân yêu của mình. Với tôi, cuộc hành hương này là cuộc hành hương kỳ vĩ nhất. Tôi được gặp tất cả những người thân yêu còn sống và cả những người đã khuất trong gia đình mình, trong dòng tộc và làng mình.
Vì sao tôi lại nói là gặp những người thân yêu đã khuất. Câu chuyện nghe có vẻ kỳ bí nhưng lại giản dị vô cùng. Vào những ngày giáp Tết, làng tôi có hai con đường cho người làng trở về quê ăn Tết. Một con đường cho người sống và một con đường cho người đã khuất. Con đường cho người đã khuất là con đường chạy từ nghĩa trang về làng. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người làng tôi khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.
Trong thời khắc thiêng liêng, đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm, gió đang ấm lên bởi hơi xuân, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất. Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn.
Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó, cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.
Có một sự thật mà biết bao năm suy nghĩ, tôi thấy đó như một phép thiêng. Đó là thời khắc đầu tiên của năm mới ùa về. Và những phiền muộn, lo âu, bất hòa, kể cả đau khổ và tuyệt vọng của năm cũ chợt như lùi xa và thay vào đó là niềm hy vọng mãnh liệt về những điều tốt đẹp trong năm mới. Cái gì làm nên quyền lực của khoảnh khắc đầy mơ hồ ấy? Đó là sự hiểu biết và niềm tin của con người về qui luật của thời gian, của tạo hóa, là những trải nghiệm bản thân, là niềm tin như một bản năng của mọi con người, kể cả những kẻ tội lỗi, là không khí của hương trầm, của mưa ấm, của gió lành, đang trở về, của không gian linh thiêng đầy bí ẩn trên mỗi ban thờ tổ tiên, ông bà, là sự quây quần của những người thân yêu…Tất cả những điều ấy cộng vào và làm nên sức mạnh lạ lùng của tinh thần con người.
Tôi từng vài lần đón năm mới ở một số gia đình người Mỹ và tôi cũng nhận ra điều kỳ diệu ấy trong cách thức của một nền văn hóa khác biệt. Hãy nghe thật kỹ âm hưởng và giai điệu của bài hát Happy New Year của nhóm ABBA, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự thiêng liêng, nỗi niềm da diết và ngập tràn niềm hy vọng của con người của một xứ sở khác khi đón chào năm mới. Mỗi người phải được thở trong những vẻ đẹp và sự bí ẩn của nền văn hóa mình. Và chỉ như thế họ mới hiểu được sự kỳ diệu của nền văn hóa ấy. Và Tết truyền thống chính là một vẻ đẹp và bí ẩn của văn hóa Việt.
Mấy năm gần đây, có một số người muốn bỏ Tết truyền thống và thay thế bằng tết tây. Vì sao vậy, vì họ thấy quá nhiều phiền toái và lãng phí thời gian cũng như vật chất. Họ đã đúng về hiện tượng nhưng họ đã sai về bản chất. Bởi không ít người lợi dụng Tết như một cơ hội cho những mưu cầu cá nhân của họ chứ không phải là cơ hội để làm một cuộc hành hương trở về những điều thiêng liêng bằng không gian, thời gian hay bằng tâm tưởng. Tết là một sự kiện đặc biệt thiêng liêng của không gian, thời gian và tâm thế người. Mọi phiền toái hay lãng phí là bởi con người đẻ ra chứ không phải bản chất Tết là vốn vậy. Cũng như tục thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất trong văn hóa chúng ta. Nó có thể “cầu kỳ” hơn những người phương tây nhưng nó làm nên văn hóa Việt và tâm hồn Việt.
Tôi là kẻ có cơ hội lang thang qua nhiều nước trên thế giới. Có nhiều điều trong lối sống của chúng ta thực sự tôi thấy cần phải thay đổi. Bây giờ có những người Việt chỉ coi Tết là một kỳ nghỉ dài ngày thông thường. Nhưng với tôi, là một cuộc hành hương của tinh thần sống. Cuộc hành hương trở về làng mình, phố mình, nhà mình mỗi khi năm cũ đã hết mãi mãi là cuộc hành hương kỳ vĩ trong tâm hồn tôi. Bây giờ, càng ngày càng đông hơn những người dùng nhiều cách để tìm sự tĩnh tại trong tâm hồn như đi chùa, ngồi thiền, ăn chay… để quên đi những muộn phiền, tuyệt vọng, nhưng họ lại không nhận ra rằng thời gian của những ngày cuối cùng năm cũ và thời khắc của năm mới chính là lúc lòng người được lan tỏa nhất, cảm hứng nhất và thương yêu nhất. Và chỉ như thế, lòng người mới chạm tới sự thanh thản một cách thực sự.