Aa

Quan phẩm ngày nay

Thứ Ba, 28/04/2020 - 07:00

Nếu là mẹ tôi, một người hiền lành nhất trần gian nhưng khí khái, khi còn sống mà nghe được tin này, bà sẽ thở dài và nói một câu rất nhỏ: "Quan mới chả tước, mặt dầy!".

Đoạn trích dưới đây là do tôi lấy ra từ bài báo: "12 cựu quan chức lớn “chây ì” không chịu trả lại nhà công vụ là ai?", đăng trên tờ Tuổi Trẻ Online ngày 20/4/2020 và sau đó được rất nhiều báo khác đăng lại, gây ồn ào dư luận:

“Mười hai cựu quan chức này đã được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức, nhưng nay các quan chức này đã nghỉ hưu, theo quy định, họ phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước.

Thông báo được Bộ Xây dựng gửi tới 3 cựu Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là các ông T.V.L, ông N.V.N và bà N.T.TH.H.

2 cựu Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là bà N.H.L và ông L.V.Đ và còn có bà B.T.TH, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một người nữa là ông Đ.Q.H, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng với đó là ông H.V.A, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Trong danh sách 12 người có tên ông H.S.TH, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, và ông Đ.N.D, nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Đảng cộng sản, cùng với ông Đ.V.CH, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ngoài ra, còn có ông P.V.V, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đáng lưu ý thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ". (Hết trích)

Nếu là mẹ tôi, một người hiền lành nhất trần gian nhưng khí khái, khi còn sống mà nghe được tin này, bà sẽ thở dài và nói một câu rất nhỏ: "Quan mới chả tước, mặt dầy!".

Cựu quan chức trả chức, giữ vụ - Tranh biếm họa về cựu quan chức "chây ì" trả nhà công vụ trên báo Tuổi trẻ Cười.

Nhiều người khác chắc sẽ nói giống như tôi: "Cán bộ còn thế, trách gì dân". Bởi cán bộ là người được ăn học hơn người, hưởng các ưu đãi (cả vật chất lẫn tinh thần) cũng hơn người. Nhưng điều khiến họ đáng hãnh diện nhất, đáng để phấn đấu làm cán bộ nhất, chính là vai trò lãnh đạo, dẫn dắt, đi đầu, làm gương cho số đông, đều thuộc về các giá trị tinh thần cao quý. 

Con người, nói như cụ Nguyễn Công Trứ, dài lắm cũng chỉ ba vạn sáu ngàn ngày trên trần gian, sau đó là về với cát bụi, lẫn vào cỏ cây, vì thế mà “Phải có danh gì với núi sông”. Phải có danh mới đáng để làm người. Danh đây không cứ phải làm quan, phải viết văn, làm thơ, vẽ tranh mới có. Danh theo cụ Trứ là danh dự, danh giá, những phẩm cách cao trọng mà bất cứ ai cũng muốn mình có, muốn được người khác tôn vinh. Và để có thứ danh thơm không nát với cỏ cây ấy, thì chỉ có một cách là lao động, cống hiến (tài năng, sức lực…) cho gia đình, cho nhân dân, đất nước, cho các thế hệ tương lai, cũng là con cháu mình.

Hiểu được thế, mới thấy những người, từng hãnh diện mình là cán bộ, có tên trong danh sách “đen” chây ì chuyện trả nhà công vụ nêu ở trên, thật đáng để mà xấu hổ với ngay chính con cái mình, chứ chưa nói đến xã hội. Hóa ra xưa nay, những gì họ nói, toàn điều cao siêu, toàn những lời có cánh về phẩm giá, về liêm sỉ, về lòng yêu nhân dân lao động, về sự dấn thân cống hiến vô điều kiện… khi còn đang chức, đều là dối trá, lừa lọc! Con cái họ làm sao lại không xấu hổ thay bố mẹ cho được. Và liệu hàng ngày, khi tiếp xúc với những người xung quanh, họ có cảm thấy mặt mình chường ra quá lộ liễu? Thật buồn cho quan phẩm ngày nay!

Tôi dám khẳng định, với những chức vụ ghi trong danh sách, không ai trong số những ông, bà cán bộ ấy lại không có từ một đến vài chỗ ở. Vì thế, chỉ có thể kết luận, lòng tham đã khiến họ mất hết cả khôn ngoan, mất hết cả ý thức về danh dự, nên mới dây dưa, thiếu tư cách đến thế. (Hãy giả định họ cho thuê lại để hưởng lợi, một việc hoàn toàn có thể xảy ra).

Nhân đây, tôi đề nghị hai điều: Thứ nhất, báo chí không cần phải ghi tắt tên những ông cán bộ lạm dụng tài sản công khi mà chính họ không coi thanh danh ra gì và thứ hai, cần phải coi số thời gian những cán bộ trên lạm dụng nhà công vụ là họ đi thuê, áp theo bảng giá tiền thuê nhà trên thị trường từng thời điểm và Nhà nước nhất định phải truy thu số tiền đó. Có làm thế mới mong giữ nghiêm kỉ cương phép nước và cũng là đảm bảo công bằng: Tiền của Nhà nước thì phải trả lại Nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top