Aa

Truyện vui mùa dịch

Thứ Ba, 14/04/2020 - 06:30

Tôi bèn ấm ức nghĩ: “Nhất định hai mươi năm sau, chậm lắm là ba mươi năm sau, thể nào chính quyền phường T. cũng sẽ đủ liêm chính để không cần phải ăn chia với mấy kẻ trấn lột. Bọn này khi đó chỉ còn nước đi quét chợ".

Tôi bắt đầu một ngày mới bằng việc rủ anh bạn phóng xe máy đến một cửa hàng giầy trên phố Lò Đúc. Thấy đôi giầy hiệu Reebok mà giá chỉ có 300 ngàn đồng, bèn hỏi thật lòng:

- Giầy nhái à, bán có dễ không?

Người bán hàng là một gã đàn ông, trả lời gần như quát:

- Ở đây không có giầy nhái.

Bạn tôi và tôi cùng cười, chỉ vào sắp hàng trên giá, hỏi lại:

- Thế những thứ kia đều chính hãng à?

- Các ông phải có mắt chứ.

Đáng lẽ chúng tôi nên đi ngay thì hơn. Nhưng bạn tôi không kìm được, nói vu vơ:

- Louis Vuitton không bao giờ có hàng trôi nổi bên ngoài cửa hàng của hãng...

- Đấy là ở nước ngoài, còn ở Việt Nam khác. Louis Vuitton ở đây đầy, ở đây cái gì cũng có hết.

Thấy vẻ mặt gã đàn ông ngầu lên vẻ gây sự, tôi kéo anh bạn ra khỏi cửa hàng, chủ động làm hoà:

- Thôi, coi như ông đúng, thông cảm bọn tớ nhà quê. Nhà quê ra tỉnh nó thế.

Chúng tôi lầm lũi rút lui, trong lòng vẫn chưa hết ấm ức. Hai thằng bèn rủ nhau đến một chỗ vắng trên vỉa hè của một đường phố đang sửa và không cấm để xe máy, đứng nói chuyện. Tôi vừa dựng xe, gạt chân chống thì cũng vừa lúc chiếc cửa cuốn rùng rùng chuyển động. Lát sau, hiện ra một bà già trông ăn mặc lôi thôi như dân nhà quê chính hãng. Bà cầm trong tay cây gậy, có lẽ để mở công tắc trên cao của cái cửa cuốn. Thấy tôi, bà bảo bằng thứ giọng xua đuổi lạnh lùng:

- Dựng xe ra chỗ khác đi, chỗ này trước cửa nhà người ta, không thấy à?

Thấy chúng tôi có vẻ chưa nghe rõ, bà già hất hàm:

- Hai cậu kia, có nghe tôi nói gì không?

Tôi vội nói bằng thứ giọng cầu cạnh:

- Bác cho chúng cháu nhờ một lát…

- Nhờ vả gì, đây chẳng cho bố con đứa nào nhờ vả cả, đây không phải Nhà nước. Đi chỗ khác!

- Bọn cháu chỉ nói vài câu thôi, rồi đi ngay.

- Một câu cũng không được!

Miệng nói, bà già vừa xông ra, lăm lăm cây gậy có móc sắt, vằn mắt hỏi:

- Có đi không thì bảo.

Tôi bèn nghĩ: "Thôi, chả nên chấp người già đã rất gần... miệng hố".

Trong khi tôi đang nghĩ thì bà già đã đứng rất gần, vừa một tầm vụt. Với lại tôi cũng đã thấy vài bộ mặt lấp ló phía bên trong cửa. Nó mà xồ ra thì còn hơn lang sói. Tôi bèn xuống nước, giọng hiền lành, bảo:

- Bọn cháu đi đây, bà khoẻ mạnh nhé.

- Mày chúc đểu tao đấy à, đồ nhà quê!

- Bà tinh thật đấy, bọn cháu là nhà quê chính cống, không biết luật lệ nên mới sơ suất, bà thông cảm.

Buổi chiều, tôi đưa vợ đi khám ở bệnh viện tại phố T. Con đường đôi ở đây đang trong giai đoạn thi công nên một bên chưa lưu thông chính thức. May mà nhờ thế mới có chỗ đỗ xe ô tô. Tôi tự tin bảo vợ cứ khám xét thoải mái, không phải lo cho tôi tìm chỗ đỗ xe. Khoảng 15 phút sau thì có một phụ nữ đến bên tôi, nói ráo hoảnh:

- Cho xin tiền gửi xe.

- Tôi có gửi đâu.

- Thế ông không đỗ xe kia là gì?

- Tôi đỗ ngoài đường, liên quan gì?

- Cái ông này vui tính nhỉ. Ông không thấy chúng tôi quây hàng rào kia à. Bất cứ ai đã đưa xe vào đây đều phải trả tiền.

Bấy giờ tôi mới mở to mắt để thấy con đường đang thi công bị chia ra làm ba bốn đoạn, do ba bốn nhóm thanh niên đầu xanh đầu đỏ quản lý. Hễ đi nhầm vào rồi quay ra ngay cũng coi như đã vào bãi gửi và phải "nhè" tiền ra. Tôi tiếp tục lý sự:

- Ai cho các vị cái quyền này?

- Cần gì phải ai cho, muốn hỏi thì sang kia mà hỏi - Chị ta chỉ sang bên kia đường, nơi ghi là Trụ sở chính quyền phường - Có đưa tiền không thì bảo?

Đúng lúc ấy, như từ bóng tối xồ ra mấy gã đầu vàng trông đầy vẻ khát máu, một thằng hất hàm hỏi chị phụ nữ:

- Gì thế?

- Cái ông này, gửi xe nhưng lại không muốn trả tiền.

- Thật thế à? - Thằng ranh hỏi bâng quơ nhưng nghe sởn gai ốc. 

Tôi biết là mình thua bèn rút tiền giúi vào tay người đàn bà. Chị ta giật lấy rồi về chỗ ngồi phía ngoài, rình tiếp những chiếc xe nào đi lạc. Tôi bèn ấm ức nghĩ: “Nhất định hai mươi năm sau, chậm lắm là ba mươi năm sau, thể nào chính quyền phường T. cũng sẽ đủ liêm chính để không cần phải ăn chia với mấy kẻ trấn lột kia. Bọn này khi đó chỉ còn nước đi quét chợ mà kiếm ăn”.

Vợ khám xong, ra nhìn thấy mặt chồng âm u, bèn hỏi làm sao, tôi ậm ừ đáp: 

- Tự dưng lại nhớ cụ Lỗ Tấn.

- Cụ Lỗ Tấn là ai?

- Là bố của bác A.Q*. May mà có bác A.Q chỉ bảo, nên mới được vô sự.

- A.Q à, anh ta có công tích gì, hả bố thằng cò?

- Anh ta tiên đoán, hai mươi năm sau, kẻ nào bán hàng giả, lấn chiếm vỉa hè, ngăn đường cái quan làm nơi gửi xe… sẽ bị quỷ sứ lột lại bằng hết, còn đến khi chết xuống Âm phủ thì bị ném thẳng vào vạc dầu.

- Thật thế à? Đáng đời! - Vợ cười ré lên như được vàng - Vậy thì hôm nào phải mời bác ấy đến nhà cho em biết mặt đấy nhé!

------------

*Nhân vật của nhà văn Lỗ Tấn, nổi tiếng với "Phép thắng lợi tinh thần" và câu nói trước khi bị hành hình: “Hai mươi năm sau, thể nào cũng xuất hiện một hảo hán”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top