Thông qua quy hoạch chung, "siêu" đô thị Hòa Lạc có quy mô 600.000 dân
Ngày 5/12/2017, kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về đồ án “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc- TP Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000” với 93% đại biểu tham gia tán thành.
Theo đó, phạm vi Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và TX Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây - Ba Vì (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), phía Đông giáp đê hữu sông Tích, phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người.
Quy hoạch góp phần cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm; xác định phạm vi và quy mô các khu chức năng, các không gian kinh tế, văn hóa xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện ngoại thành.
Thị trường văn phòng, trung tâm thương mại có nhiều “điểm sáng”
Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, 11 tháng năm 2017, TP có 37.596 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 500.751 tỷ đồng. Ngoài ra, có 55.042 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 277.682 tỷ đồng.
Đánh giá về nguồn tăng doanh nghiệp này của TP.HCM, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển thị trường bất động sản của Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, đây chính là nguồn lực để đẩy thị trường văn phòng cho thuê phát triển. Bởi lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, đồng nghĩa với nhu cầu thuê văn phòng làm việc cũng tăng theo. Ngoài ra, trong số đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ăn uống, buôn bán… cũng là nguồn lực đẩy thị trường trung tâm thương mại đi lên.
Quận Thanh Xuân "nóng" các khu đất sau di dời
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 HĐND TP, với những phản ánh, kiến nghị của cử tri Hà Nội về nhiều vấn đề bức xúc.
Trong đó vấn đề về quản lý đô thị, quy hoạch, đất đai được cử tri nhiều quận, huyện đề cập. Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị thành phố quản lý chặt chẽ các khu đất của các đơn vị sau di dời. Tổ chức đấu giá công khai minh bạch, để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ghi nhận tại quận Thanh Xuân, nhiều cao ốc mọc lên trên nền những nhà máy, xí nghiệp cũ. Sau khi di dời, thay vì nhường đất cho công viên, cây xanh thì biến thành những chung cư cao tầng.
Như khu vực đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), cách gần chục năm, đường Nguyễn Tuân là thủ phủ đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp nhẹ, tên tuổi một thời như Dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, hay Xe buýt Hà Nội...
Ngưng hiệu lực thi hành quy định ghi tên "cả nhà" trong sổ đỏ
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành về việc ghi tên các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất trên sổ đỏ.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 05/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này.
Những cơn sóng ảo khiến đất Sài Gòn chao đảo trong năm 2017
Năm 2017 đang dần khép lại với nhiều biến động trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, phân khúc đất nền xuất hiện những cơn sốt đất được đẩy lên cao trào, trở thành điểm nhấn nổi bật trong năm qua.
"Từ khóa “sốt đất nền” có lẽ xuất hiện nhiều nhất trên mặt báo. Những cơn sốt này được tạo nên chỉ sau một vài thông tin về dự án hạ tầng được phê duyệt xây dựng hay ăn theo các siêu dự án dù nó chỉ mới ở dạng đề xuất.
Có một điểm chung là những cơn sốt đất nền xuất hiện rất nhanh ngay sau khi có thông tin về quy hoạch hạ tầng, hay siêu dự án nào đó. Giá đất khu vực có dự án sẽ được đẩy lên chóng mặt, thậm chí biến đổi theo giờ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, cơn sốt này lắng xuống và đìu hiu giao dịch.
Giám đốc một công ty bất động sản ở quận Tân Bình chia sẻ, việc giá đất tại một khu vực nào đó tăng lên thường có hai nguyên nhân: một là sự phát triển của các dự án hạ tầng kết nối, hai là sự xuất hiện của các siêu dự án trở thành sức hút với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc giá đất lên đỉnh chỉ trong một thời gian ngắn thường có bàn tay vô hình của “đội lái” - Họ là những nhà đầu tư, đầu cơ và giới cò đất. Những người này sẵn sàng bỏ tiền và thao túng thông tin, đẩy giá lên cao chóng mặt. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn họ rút khỏi thị trường và để lại hậu quả nặng nề cho những người vào sau lỡ ôm đất không thể thoát kịp.