Là một khái niệm rất hiện đại thời nay.
Thường gắn với công việc quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp. Thế nên người ta có hẳn cả những trường, những khoa đào tạo từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Bên phương Tây, cái nôi của nền kinh tế thị trường hiện đại, họ đặc biệt coi trọng việc quản trị doanh nghiệp. Họ coi đó là khoa học quản lý. Nền quản trị xuất sắc của họ đã tạo nền móng cho những sự bùng nổ về kinh tế.
Thực ra phương Đông cũng khá quan tâm đến điều này, từ lâu. Trung Quốc cổ đại, ông Khổng Tử nói, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ở ta không có danh nhân nào lập ngôn về điều này. Nhưng những câu châm ngôn nhân dân truyền lại cũng cho thấy vấn đề, ví như: “Một người biết lo bằng một kho người biết làm”!
Chỉ tiếc phương Đông không sản sinh ra các nhà khoa học, kinh tế học cỡ Adam Smit nghiên cứu, đúc kết, hệ thống hóa nâng lên thành tầm lý luận kinh điển của các khoa học kinh tế, quản trị doanh nghiệp.
Kỹ năng quản trị có nhiều cấp độ.
Cai quản tổ chức tốt cuộc sống gia đình chính là cấp độ quản trị đầu tiên.
Tổ chức điều hành quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp thành công, làm ăn có lãi, phát triển không ngừng đó là thành công của cấp độ thứ hai.
Một khi đã thành công ở cấp độ doanh nghiệp từ nhỏ cho đến lớn thì một nhà quản lý xuất sắc đúng nghĩa hoàn toàn có thể bước ra tham chính, quản lý điều hành nền kinh tế của một quốc gia mà không gặp phải khó khăn gì lắm.
Để trở thành một nhà quản lý giỏi, có kỹ năng quản trị xuất sắc thì ngoài học hành trường lớp ra, cũng đòi hỏi có năng khiếu nhất định. Năng khiếu về công tác tổ chức, năng khiếu về nhìn người chính xác mà giao việc đúng năng lực cho cấp dưới.
Nói thế có vẻ hơi mông lung, nhưng chính xác là việc cai quản điều hành kinh tế một gia đình, một doanh nghiệp, hay nền kinh tế của cả một quốc gia đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản như nhau. Tuyệt đối giống nhau. Chỉ có khác về quy mô mà thôi. Thế nên một khi ai đó không tổ chức nổi cuộc sống cá nhân gia đình mình thì không bao giờ người đó trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp giỏi được. Còn một người mà chưa từng kinh qua điều hành một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả đúng nghĩa mà giao cho điều hành nền kinh tế tài chính quốc gia thì thực sự là... may rủi. Thảm họa kinh tế xảy ra cũng không có gì khó hiểu!
Thế những nguyên tắc cơ bản nào để quản trị mà từ ông chủ gia đình đến người đứng đầu điều hành nền kinh tế tài chính quốc gia nhất thiết phải biết?
Đầu tiên là chỉ được phép tiêu dùng trong khả năng những gì mà gia đình, doanh nghiệp, quốc gia của mình làm ra. Không được chi dùng vượt khả năng của thu nhập gia đình, doanh nghiệp, quốc gia. Không vung tay quá trán.
Thứ hai, tuyệt đối không được phép đi vay về ăn! Chỉ đi vay để lấy vốn phát triển sản xuất kinh doanh và phải có phương án trả nợ khả thi. Tất nhiên, trường hợp thiên tai địch họa bất khả kháng thì ta phải chấp nhận những khoản vay ngắn hạn để giải quyết các mục tiêu trước mắt, cứu đói chẳng hạn.
Điều thứ ba là các ông chủ trong đầu luôn phải thường trực bài toán cân đối thu chi. Tăng thu giảm chi là nguyên tắc. Không chi cho những khoản mục không đem lại lợi ích là tiên quyết. Kiểm soát, cắt giảm tối đa những khoản chi vô bổ là việc làm thường xuyên của người quản lý.
Và điều thứ tư là đúng người đúng việc. Người quản lý phải nhìn nhận đúng khả năng của nhân viên dưới quyền mà giao đúng việc cho họ. Như thế sẽ phát huy được khả năng và hiệu quả công việc sẽ cao ngay.
hật ra quản trị một gia đình, quản trị một doanh nghiệp cho đến việc quản trị nền kinh tế tài chính một quốc gia về cơ bản không khác nhau. Một ai đó chỉ cần thực hiện đúng những nguyên tắc căn bản là sẽ thành công. Không khác gì như người cầm lái chiếc xe ô tô đi trên đường: tuân thủ đúng luật thì sẽ an toàn và tốt đẹp.
Kỹ năng quản trị nói cho cùng cũng không phải là điều gì ghê gớm. Nhất là trong điều kiện của cuộc sống hiện nay có rất nhiều phương tiện hỗ trợ. Nhiều người đã cho thấy điều đó. Tất nhiên là đối với những người có năng khiếu ít nhiều về quản lý. Và nhất là phải sạch. Phải công tâm. Chứ còn với những người bẩn, giao cho họ quyền quản lý, họ sẽ chỉ lo vun vén bản thân thì... doanh nghiệp vỡ nợ và đất nước tan hoang như một lẽ dĩ nhiên mà thôi!
Còn làm sao chọn ra được người có khả năng quản trị, sạch, công tâm thì lại là một vấn đề khác!