Aa

Quảng Nam đề xuất đầu tư 100 tỷ đồng hỗ trợ người dân xây nhà chống bão, lũ

Thứ Tư, 15/09/2021 - 06:00

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Tờ trình gửi HĐND tỉnh thống nhất xây dựng Đề án hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đề xuất, sẽ có khoảng 10.000 hộ dân được hỗ trợ xây dựng công trình chống bão, lũ với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 100 tỷ đồng. Các hộ dân ở khu vực ven sông sẽ được hỗ trợ xây dựng chòi (gác) tránh bão, lũ.

Những ngôi nhà chống lũ như những chiếc phao cứu sinh trong mùa mưa bão.

Chòi tránh bão, lũ xây theo mẫu nhà do Sở Xây dựng ban hành, trường hợp xây gác tránh bão, lũ thì tận dụng nhà hiện có để cải tạo. Đối với những hộ dân ở vùng ven biển sẽ được hỗ trợ phòng trú bão theo mẫu do Sở Xây dựng ban hành. Mỗi hộ dân sẽ được tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng công trình, nguồn kinh phí còn lại sẽ do địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hoá và từ các nguồn hợp pháp khác.

Đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định do Chính phủ ban hành (quyết định số 59/2015/QĐ-TTg), có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm Đề án này có hiệu lực thi hành. Đây là những hộ chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; Hộ hiện nay phụ nữ đang làm chủ hộ; hộ dân tộc thiểu số; chủ hộ là người khuyết tật hoặc già cả, neo đơn.

Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, nóc. Các hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Đề án phải thuộc diện có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tranh chấp, khiếu kiện.

Khu vực miền núi thường xuyên bị sạt lở đất do mưa lũ

Theo đó, các hộ gia đình phải thực hiện xây dựng nhà ở theo mẫu thiết kế nhà ở đã ban hành. Trường hợp có đề xuất thay đổi diện tích xây dựng nhà ở thì phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Xây dựng để bảo đảm yêu cầu về kết cấu của nhà ở. Sở Xây dựng hướng dẫn các hộ gia đình trong việc điều chỉnh thay đổi một số hạng mục của nhà ở như tường bao, thay đổi mái, diện tích sàn vượt lũ,… nhưng phải bảo đảm không thấp hơn diện tích xây dựng nhà ở theo quy định và không làm ảnh hưởng đến các kết cấu chính của nhà ở.

Trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án sẽ ưu tiên xây dựng nhà (phòng) tránh bão, dự kiến kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Các hộ dân xây dựng hoàn thành phần móng nhà giải ngân lần đầu 50% vốn hỗ trợ và giải ngân 50% còn lại sau khi các hộ gia đình hoàn thành công trình nhà ở. UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Đề án theo đúng quy định, gửi Sở Xây dựng tổng hợp, xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 5 năm và phân chia theo từng năm tùy vào khả năng cân đối ngân sách.

Tính từ năm 2009 đến nay, Quảng Nam đã thực hiện 5 chính sách dành cho người nghèo với tổng cộng 22.388 hộ dân được hỗ trợ nhà ở, gồm: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg (18.014 hộ); Chương trình xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt theo Quyết định 716/QĐ-TTg (100 hộ); Chương trình theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (1.795 hộ); Chương trình theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (2.043 hộ); Chương trình theo Dự án GCF, kéo dài Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (436 hộ).

Mưa lũ thường xuyên gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ du các sông Vu Gia, Thu Bồn

Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngôi nhà ba gian truyền thống và nhà rường có kết cấu là những vật liệu với tuổi thọ ngắn, kém chất lượng, sẵn có tại địa phương; nhà có cấu tạo đơn giản, không có liên kết giằng cho nhà cửa. Kết cấu mái chủ yếu làm bằng vật liệu gỗ đã mục nát, mối mọt nhiều không đảm bảo tính mạng của người sử dụng. Trong khi đó, phần lớn các hộ gia đình có nhà xuống cấp trầm trọng nhưng không có khả năng gia cố, tu sửa hoặc xây dựng lại; đôi khi chỉ gia cố nền móng, tu sửa từng phần khi có kinh phí trông rất tạm bợ. Hằng năm, bão đổ bộ vào tàn phá hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa; lụt từ 1 - 2 cơn; triều cường, xâm thực mặn, hạn hán, sạt lở đất. Trải qua các đợt thiên tai, phần lớn nhà ở không đủ khả năng chống chịu với bão, lụt nên rất nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.

Qua các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở, giúp đồng bào đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, Bên cạnh đó tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng được phát huy từ công tác vận động hỗ trợ, đóng góp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top