Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đề nghị các ngành, địa phương cần tổng hợp số liệu các dự án bị vướng, không thể giải ngân để xem xét, quy trách nhiệm cho từng địa phương, sở, ngành, xem xét, đánh giá mức độ thi đua năm 2021.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn theo từng mức vốn cụ thể, tương ứng với từng thời điểm nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 95 - 100%.
Một số dự án gặp khó như: Đường nối từ đường Võ Chí Công đến Quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình) và đường nối từ Quốc lộ 1 đến nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với Quốc lộ 14E; đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (đường Võ Chí Công); nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 40B, nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai; dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò, nâng cấp và mở rộng tuyến đường ĐT607, cầu Tam Tiến.
Bên cạnh đó, đến ngày 31/8/2021, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 3.004 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 41,8% kế hoạch; trong đó, vốn năm 2021 giải ngân 1.936 tỷ, đạt 37,8%; vốn năm 2020 kéo dài giải ngân 1.067 tỷ, đạt 51,6%. Các chủ đầu tư, đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán các công trình hoàn thành để giải ngân 100% kế hoạch vốn. Đối với các dự án chậm tiến độ thực hiện rà soát, cắt giảm, điều chuyển và bố trí cho các dự án đảm bảo khối lượng, cần vốn thanh toán.
Trong tháng 8/2021, đã rà soát điều chuyển hơn 112,6 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành; các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu giải ngân vốn. Trong đó, gồm 48,5 tỷ đồng vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 và hơn 64 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh hơn 14.131 tỷ đồng, đạt 73% dự toán và tăng 54% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 12.448 tỷ đồng, đạt 78% dự toán và tăng 61% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu 1.621 tỷ đồng, đạt 48% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ. Mặc dù số thu ngân sách có vượt tiến độ thu và tăng so cùng kỳ nhưng chủ yếu ở 6 tháng đầu năm, từ tháng 7 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 số thu thấp dần, đến tháng 8 tiếp tục giảm, số thu ngân sách trong tháng đạt 85 tỷ đồng (chưa kể số thu từ ô tô trong tháng 8 được giãn nộp vào cuối năm là 386 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách địa phương 11.614 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, trong đó chi thường xuyên hơn 6.499 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 5.113 tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư giữ được ổn định
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó, lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng 12%; sản xuất phân phối điện tăng 48,2%; sản xuất cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 15,6%; riêng công nghiệp khai khoáng giảm 7,2%. Một số lĩnh vực công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ: Dệt (tăng 58%), sản xuất đồ uống (tăng 23%), sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 20%), sản xuất sản phẩm từ cao su (tăng 14,8%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 14,2%), khai thác than (tăng 11,4%).
Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đến cuối tháng 8/2021 giảm 1,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,6%, các khu vực khác tăng nhưng không đáng kể, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,9% và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,3%.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã cấp mới 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 14,69 triệu USD, giảm 2 dự án và giảm 56,9% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Cấp phép 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.897 tỷ đồng, giảm 24 dự án và giảm 35,6% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Cùng với đó, công tác triển khai lập quy hoạch vùng, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch các dự án được tập trung triển khai như quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Làm việc với các chủ đầu tư, các ngành liên quan và chỉ đạo hoàn chỉnh quy hoạch (1/200) các dự án dự án Khu đô thị (Opal City Nam Hội An, Ven sông Đào - Duy Xuyên…); quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Sơn giai đoạn đến năm 2030; quy hoạch 1/2000 Khu công nghiệp Nam Thăng Bình; quy hoạch hệ thống tổng kho xăng dầu và khí đốt; xác định tiêu chí Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp sinh thái và giải pháp phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh quy hoạch phân vùng cấp nước; quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu phi thuế quan gắn với sân bay Chu Lai; tiêu chí Khu đô thị sinh thái và rà soát quy hoạch vật liệu xây dựng…