UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các quy định về quản lý thị trường bất động sản; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 176 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai và 17 dự án mới được chấp thuận nhà đầu tư năm 2022, 2023. Đa số các dự án có quy mô vừa và nhỏ; giai đoạn này điều kiện hạ tầng đô thị chưa phát triển, nguồn lực khó khăn; địa phương thu hút đầu tư và chủ yếu là doanh nghiệp địa phương và lân cận thực hiện để phát triển hạ tầng đô thị để sớm hình thành đô thị, đạt tiêu chí đô thị.
“Thị trường bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh cơ bản phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án (chủ yếu tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, thị trường bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh phát triển góp phần chung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và phát triển nông thôn mới; sản phẩm bất động sản nhà ở trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và cung ứng cho thị trường.
Để chấn chỉnh, khuyến cáo hoạt động kinh doanh bất động sản, thời gian qua, UBND tỉnh cho hay đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh (được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng, bao gồm: Công văn số 1001/UBND-KTN ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh, Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 01/8/2019; Quyết định số 2077/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 và hiện nay là Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 về Quy định hướng dẫn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam).
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở đã góp phần kiểm soát hợp lý về cung cầu và phát triển theo chương trình, kế hoạch. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Triển khai thực hiện Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Xây dựng quy chế phối hợp và lấy ý kiến các ngành, địa phương liên quan để thực hiện điều tra, thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; tổng hợp và tính toán các chỉ tiêu thống kê về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng thẳng thắn đưa ra các khó khăn, vướng mắc tồn tại ở các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn. Đó là, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Công tác xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu phức tạp, gặp nhiều trở ngại; công tác thoả thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất khó khăn, kéo dài.
Trong quá trình xác định phạm vi, ranh giới triển khai dự án, một số nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ mức độ tác động đến các khu dân cư hiện hữu, đánh giá hiện trạng các yếu tố hạ tầng, kỹ thuật chưa đầy đủ nên chưa tính toán phương án giải quyết ngay từ đầu, đến khi triển khai thực hiện dự án thì gặp vướng mắc dẫn đến bị động trong xử lý, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Có trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý thì nhà đầu tư vẫn đảm bảo năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Gián đoạn, kéo dài tiến độ thực hiện dự án do hoàn thiện các hồ sơ quy hoạch, các thủ tục đầu tư đối với các dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Bên cạnh đó, trong năm 2020 - 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, việc cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án đầu tư.
Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư…vẫn còn một số nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Nội dung giữa các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành khác thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, khó thực hiện.
(Báo cáo số 91/BC-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký ngày 10/5/2023)
Sự biến động giá cả, nhất là vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện dự án. Trên địa bàn còn xảy ra trường hợp khiếu kiện khiếu nại tập trung đông người ảnh hưởng an ninh trật tự (chủ yếu các dự án tại Đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc).
Chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị có nhà ở tự thực hiện quản lý khai thác vận hành dự án sau khi được nghiệm thu hoàn thành, đặc biệt là đối với các dự án trung, cao cấp.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra các giải pháp, kiến nghị. Theo đó, rà soát, tăng cường thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất phù hợp với mục đích đất ở theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường bất động sản. Đẩy mạnh thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản.
Kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về xây dựng, đất đai theo đúng chức năng, thẩm quyền.
Rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, sử dụng sai mục đích trên để đôn đốc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý, có biện pháp ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản, vi phạm về pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, trái pháp luật gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản./.