Aa

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Thứ Ba, 03/12/2024 - 12:11

Sáng 3/12, UBND huyện Duy Xuyên, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn long trọng tổ chức kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, Trưởng Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, vào ngày 4/12/1999, Khu đền tháp Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 1.

Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. (Ảnh: Hữu Trà)

Đây là sự khẳng định cho những giá trị đỉnh cao về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh Chămpa từng phát triển rực rỡ trong lịch sử nhân loại. Là niềm tự hào lớn lao với nhân dân cả nước nói chung, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên nói riêng. Những giá trị văn hóa độc đáo, danh hiệu cao quý này cần được phát huy, khai thác hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời, bảo tồn và lưu giữ cho mai sau.

"Từ những ngày đầu Mỹ Sơn khoát lên mình danh hiệu "Di sản văn hóa thế giới" các cấp lãnh đạo đã xác định công tác bảo tồn phải đặt lên hàng đầu, bảo tồn nhưng không mâu thuẫn với phát huy, bảo tồn hiệu quả và phát huy tích cực. Bảo tồn và phát huy đúng hướng phải là cách bảo tồn tối ưu nhất, hiệu quả nhất sao cho di tích được giữ nguyên giá trị gốc, đảm bảo tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Luật Di sản văn hóa Việt Nam", ông Nguyễn Công Khiết nhấn mạnh.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát Khu đền tháp Mỹ Sơn vào ngày 3/12. (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Cũng theo ông Nguyễn Công Khiết, nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển được vạch ra, các nghiên cứu khoa học, trùng tu, khảo cổ được tiến hành đồng bộ. Trong đó, lấy công tác hợp tác quốc tế làm trọng tâm với nhiều chương trình, dự án. Vì vậy, đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, có ý nghĩa nổi bật trong việc trùng tu di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam, trở thành hình mẫu trùng tu trong cả nước. Không những vậy, các giá trị truyền thống về văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống dân gian Chăm, cũng được quan tâm, gìn giữ đồng thời phục vụ du khách và đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị văn hóa tinh thần của địa phương. Nhiều héc-ta rừng nguyên sinh được tái tạo phục hồi, hệ động thực vật được tập hợp nghiên cứu bảo tồn hiệu quả, gìn giữ trọn vẹn được 1.158ha rừng tự nhiên, lưu giữ màu xanh Mỹ Sơn, không gian văn hóa Khu di sản ngày một xanh hơn, đẹp hơn.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 3.

Cựu Tổng thống Ấn Độ trồng cây lưu niệm tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. (Ảnh: Hữu Trà)

Trên lĩnh vực du lịch, Mỹ Sơn ngày càng được các cấp ngành quan tâm, các nguồn lực được ưu đãi, giá trị đầu tư dần trải đều trên các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, vật lực. Công tác xây dựng và gìn giữ thương hiệu di sản nhằm phát triển du lịch bền vững được tập trung thực hiện. Công tác đầu tư quảng bá di sản được cải tiến phù hợp hơn với xu hướng thời đại. Nguồn nhân lực được nâng lên cả chất và lượng. Loại hình du lịch ngày một hiện đại và thân thiện với môi trường. Không gian lan tỏa du lịch ngày càng từng bước mở rộng. Lượng khách đến tham quan hằng năm đều tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước, tăng trung bình trên 10%.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 4.

Kỷ niệm 25 năm UNESCO công nhận Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.

"Sau 25 năm, từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài đổ nát của những bom đạn chiến tranh tàn phá, Mỹ Sơn đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút khách du lịch. Giá trị Mỹ Sơn ngày một quan trọng trong đời sống chính trị kinh tế xã hội huyện nhà, là niềm tự hào của nhân dân, là sức mạnh mềm ảnh hưởng văn hóa đến bên ngoài", ông Nguyễn Công Khiết, nhấn mạnh. Trưởng BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn tri ân các tập thể, cá nhân ở các cấp từ Trung ương đến địa phương qua từng thế hệ và người dân cùng đóng góp cho công tác bảo tồn di sản bền vững.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 5.

Người dân huyện Duy Xuyên tham gia công tác trùng tu tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. (Ảnh: Hữu Trà)

Ông Nguyễn Công Khiết cũng không quên "sự giúp đỡ đầy hiệu quả" của các tổ chức quốc tế, của bạn bè trong nước và quốc tế đã dành cho Mỹ Sơn. Của những chiến sĩ trên mặt trận tháo gỡ bom mìn đã không tiếc xương máu vì sự bình an của mảnh đất đặc biệt này. Những hy sinh của cộng đồng xung quanh khi tự nguyện ra đi nhường đất, nhường nơi ở, sinh sống để thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể của chính phủ. Hay những con người từ những vùng đất xa xôi như kiến trúc sư Kazic, chuyên gia Italia, Ấn Độ đã gắn bó và làm việc ở đây.

"Sự đóng góp của bao thế hệ, bao con người đến từ nhiều quốc gia, dân tộc đã dành tình yêu bao la cho di sản này. Họ đã có những cống hiến to lớn, bền bỉ và cả những hy sinh vì sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam. Ở họ, mỗi người mỗi công việc, đều dành cho Mỹ Sơn những tình cảm đặc biệt, trăn trở cùng BQL trong công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc", ông Nguyễn Công Khiết tâm tình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát tại Khu đền tháp Mỹ Sơn

Sáng 3/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến khảo sát Khu đền tháp Mỹ Sơn và chúc mừng 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Quảng Nam: Kỷ niệm 25 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới- Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chúc mừng 25 năm UNESCO công nhân Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới

Tại đây, ông Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn trong việc bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp gắn với phát huy giá trị di sản. Ông Nguyễn Đức Hải cũng mong muốn Mỹ Sơn và phố cổ Hội An tạo nên những sắc màu văn hóa, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến với mảnh đất Quảng Nam…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top