Theo đó, tối ngày 28/12, tại TP. Tam Kỳ đã diễn ra Lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam và 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam. Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo Trung ương, địa phương, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Điểm nhấn của lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Âm vang Quảng Nam”, gồm 3 phần: Hành trình phương Nam; Hào khí đất Quảng và Khát vọng Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Nam mà còn đối với cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và cả khu vực miền Trung. Nhìn lại 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, dù tự hào thành quả quá khứ nhưng không quên trách nhiệm với tương lai, Quảng Nam cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như tiếp tục chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII; tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao…
Sau 25 năm tái lập, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước đã trở thành 1 trong 14 địa phương đóng góp cho ngân sách Trung ương từ cách đây vài năm, đạt được những thành tựu khá toàn diện, có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 25 năm đạt 9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt 102.654 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm, gấp 38 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường khẳng định: “Những thành quả của 25 năm tái lập tỉnh là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của người dân xứ Quảng, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để xây dựng Quảng Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.
Trước đó sáng cùng ngày đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay.
“Đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam; về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội, từ đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Đà Nẵng kỷ niệm 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Nhân kỷ niệm 25 năm TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1/1/1997 - 1/1/2021), sáng 28/12, đã diễn ra tọa đàm “TP. Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dành thời gian ôn lại chặng đường những ngày đầu xây dựng và phát triển của thành phố đầy khó khăn, thử thách, qua đó khẳng định, trong điều kiện vô vàn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương bạn, dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào công cuộc kiến thiết, xây dựng thành phố.
Bí thư Thành ủy khẳng định, những kết quả đáng tự hào của chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng là công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Đà Nẵng đã đạt được trong 25 năm qua và thời gian gần đây. Nhờ những nỗ lực không ngừng mà TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Từ một đô thị nhỏ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, đời sống một số bộ phận nhân dân còn khó khăn, Đà Nẵng đã vươn mình để phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn quốc phòng an ninh, trở thành một thành phố có tốc độ hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh, có sức hấp dẫn ở Việt Nam và ở mức độ nào đó có sức hấp dẫn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Chính những thành tựu của TP. Đà Nẵng đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương miền Trung cùng vượt khó vươn lên”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành quả đạt được, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, TP. Đà Nẵng phát triển nhưng quy mô tầm vóc còn nhỏ, chưa xứng tầm là thành phố loại I, thành phố đặc biệt trực thuộc Trung ương, thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Do đó, phải nỗ lực thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị là trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
“Đà Nẵng phải trở thành trung tâm giao thương quốc tế, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, du khách, là nơi hội tụ của những người tài với nhiều ý tưởng sáng tạo. Cùng với Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng phải là thành phố động lực, không chỉ ở góc độ kinh tế của cả nước, mà còn là một biểu tượng, là niềm tự hào về sự vươn mình vượt qua khó khăn, trở ngại, trỗi dậy thành công của Việt Nam”./.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông ban hành chiếu thành lập Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo, gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay thuộc các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).
Thời điểm ấy, danh xưng Quảng Nam với ý nghĩa mở rộng về phương Nam, thể hiện tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược và mong ước gửi gắm về vùng đất phía Nam tổ quốc của vị hoàng đế tài đức Lê Thánh Tông.