Theo số liệu từ Thaco, trong năm 2023, hiện trạng kinh tế khó khăn đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó thị trường ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, dự kiến doanh số bán ô tô năm 2023 đạt 330.026 xe, giảm 24% so với năm 2022 và thậm chí thấp hơn so với giai đoạn đại dịch năm 2020 và 2021 (lần lượt là 362.628 xe và 344.127 xe).
Cũng theo Thaco, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá, thúc đẩy phục hồi và đưa ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn.
Các chính sách tiêu biểu có thể kể đến như giảm mức lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm sản lượng tối thiểu tại Chương trình ưu đãi thuế quy định tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021. Các chính sách trên được ban hành đã kịp thời hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi kích cầu tiêu dùng trong nước, mặc dù chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng cũng gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, hiệu quả của các chính sách trên đã được Bộ Tài chính công nhận trong các Tờ trình Chính phủ về xin giảm lệ phí trước bạ và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt qua các năm.
Việc Chính phủ sớm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị định số 103/2023/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 9/11/2023, theo đó Chính phủ và các cơ quan liên quan "nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ".
Do vậy, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thaco đã đề xuất đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển kinh doanh trong nước.
Một số giải pháp được Thaco đề xuất như giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Giám đốc Văn phòng đại diện tại Chu Lai - Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải, cho rằng trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục vẫn còn khó khăn, để các chính sách mới thực sự phát huy hết hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý I/2024.
Về đề xuất trên của Thaco, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải; rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định.