Aa

Quảng Nam sẽ làm gì để “vực dậy” nền kinh tế trong năm 2024?

Thứ Sáu, 08/12/2023 - 09:22

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam dự kiến giảm 8,25%. Trước những khó khăn và thách thức, Quảng Nam đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để "vượt khó" trong năm 2024.

Kỳ họp cuối năm 2023 – Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã xem xét báo cáo của UBND tỉnh và của các ngành, đánh giá những kết quả đạt được trên các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh; công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.

Ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và phát biểu tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá X

Khó khăn “hiện rõ” trong năm 2023

Phát biểu tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết bước vào thực hiện nhiệm vụ của năm 2023, Quảng Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Song, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương; cùng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao; sự tập trung, quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, có nhiều mặt nổi bật như thực hiện ước đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm.

Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định. Hoạt động du lịch khởi sắc và tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Các chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai thực hiện. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường cơ bản được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm lo các đối tượng chính sách và an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Hoạt động thông tin tuyên truyền được triển khai khá toàn diện. Công tác nội chính, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường.

Ông Phan Việt Cường đánh giá nhưng kết quả đạt được trong năm 2023 là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình chung đang có nhiều khó khăn, thách thức; song, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết quả trên vẫn chưa đạt so với mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. 

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận rằng kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022 (đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay); công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi; tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt dự toán và chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ (trong đó, thu nội địa đạt 100% dự toán); việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn; một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra. Vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận người lao động, Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến trong năm 2023, Quảng Nam có tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so với dự toán. Ước chi ngân năm 2023 là 44.884 tỷ đồng, đạt 136% dự toán. GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5%. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng 11%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng. Nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng hơn 3,5%,...

Nhiều giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong năm 2024

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, trong năm 2024, Quảng Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là mở rộng, tìm kiếm thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, khôi phục sản xuất, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi. Đẩy nhanh thực hiện thủ tục các dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung đẩy mạnh hoàn thành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ (2025- 2030). Đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

"Triển khai và thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu. Phục hồi và phát triển dịch vụ - du lịch. Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội miền núi và kinh tế biển. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024", ông Lê Trí Thanh, nhấn mạnh.

Một số giải pháp được đề ra như đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Cụ thể như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy định hướng phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển công nghiệp; phát triển dịch vụ - du lịch định hướng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thu hút, đẩy mạnh phát triển du lịch để lấy lại đà tăng trưởng;…

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Nền kinh tế Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Bên cạnh đó là một số giải pháp khác như: Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt; Thực hiện quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, môi trường; Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số; tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với giám sát, hướng dẫn kịp thời. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp; Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh phòng, chống tội phạm; Tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam lần thứ 18, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho hay qua theo dõi và qua báo cáo trình tại kỳ họp, cho thấy tỉnh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực. Đã triển khai kịp thời và hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều giải pháp điều hành, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các khó khăn chung do suy giảm thị trường,… Kết quả nêu trên có sự đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh cùng với Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan, đơn vị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ sự tin tưởng, dù bước sang năm 2024 với nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong bối cảnh dự báo sẽ còn khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, UBND, UBMTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng với việc phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Nam sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top