Aa

Quảng Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung

Thứ Tư, 30/11/2022 - 08:49

Quý III/2022, Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 18,7%. GRDP 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ, xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước.

So với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam chỉ xếp sau Khánh Hòa (tăng 20,5%); Đà Nẵng (tăng 16,8%); Thanh Hóa (14,24%); so với 5 tỉnh trong khu vực Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, Quảng Nam chỉ xếp sau Đà Nẵng, xếp trên Bình Định (tăng 8,9%); Thừa Thiên - Huế (tăng 8,04%); Quảng Ngãi (tăng7,97%). Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 tăng trên 10%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu đề ra đầu năm (từ 7,5 - 8%).

Khu vực công nghiệp - xây dựng giữ tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế khi chiếm 34,7% (tính đến hết quý III/2022), khu vực nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 14,9%, khu vực dịch vụ chiếm 32,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,7%. Trong tháng 10/2022, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2022 tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 14,7% so với tháng cùng kỳ năm 2021. Cộng dồn 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 25,3% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất cộng dồn 10 tháng năm 2022 tăng cao như: Khai khoáng khác tăng 31%; sản xuất đồ uống tăng 35,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 55%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ như: Ô tô du lịch đạt 81,5 nghìn chiếc, tăng 81%; cát trắng đạt 19,7 nghìn m3, tăng 80%; nước ngọt đạt 249 triệu lít, tăng 36%; điện sản xuất đạt 4.433 triệu Kwh, tăng 35,5%.

Công nghiệp đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế Quảng Nam.

Về tình hình phân bổ vốn đầu tư công, đến hết tháng 10/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 các dự án do địa phương quản lý giải ngân 3.803,496 tỷ đồng, đạt 60,6% so với kế hoạch vốn đầu năm, đạt 46,1% so với kế hoạch vốn bổ sung và đạt 51,7% so với kế hoạch vốn đã phân bổ. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân 3.625,050 tỷ đồng, đạt 61,8% so với kế hoạch vốn năm 2022 được giao đạt 46,3% so với kế hoạch vốn sau khi bổ sung và đạt 52,2% so với kế hoạch vốn năm 2022 đã phân bổ; kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài giải ngân 178,445 tỷ đồng, đạt 43,2%.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội miền núi) có nguồn vốn đầu tư là 4.145,4 tỷ đồng, gồm: Vốn Ngân sách Trung ương 3.117 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 968,4 tỷ đồng. Riêng kế hoạch vốn 2022 là 1.487,8 tỷ đồng thì đến nay, vốn đầu tư đã phân bổ 972,1 tỷ đồng, đạt 96,5%.

Hiện nay, UBND cấp huyện và chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn cho từng danh mục dự án thuộc các chương trình. Do đó, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương năm 2022 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân; vốn đầu tư ngân sách tỉnh chỉ có chương trình Nông thôn mới giải ngân hơn 45,5/87 tỷ đồng. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2022, 3 chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 59% và đến hết ngày 31/1/2023 giải ngân đạt 74,6%.

Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn cuối năm 2022.

Về thu hút đầu tư, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Quảng Nam cấp mới 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 68,24 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 195 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,06 tỷ USD và cấp mới 51 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 8.368 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trong nước còn hiệu lực là 964 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng.

Song song với việc thu hút đầu tư, công tác rà soát, hậu kiểm sau cấp chứng nhận đăng ký đầu tư được quan tâm, tăng cường, góp phần giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực triển khai dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, qua 10 tháng của năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành từng bước phục hồi và tăng trưởng đáng kể. Khu vực xây dựng tăng trưởng, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết bất lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế mặc dù nguồn thu Ngân sách Nhà nước tăng, dự kiến vượt dự toán nhưng đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguồn thu từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đạt tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chưa đảm bảo yêu cầu. Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng; thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường...

Trong giai đoạn cuối năm, Quảng Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023; chủ động lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kế hoạch năm 2023 nguồn Ngân sách Nhà nước; tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh Quảng Nam tại các Hội nghị, hoạt động mang tầm quốc tế được tổ chức trên địa bàn tỉnh và trên cả nước vào dịp cuối năm 2022; chuẩn bị chu đáo và hoàn tất các điều kiện tổ chức Lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 (dự kiến tổ chức vào tháng 12/2022); tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai cùng với thời gian tổ chức các hoạt động chương trình khai mạc Năm Quốc gia khởi nghiệp - Quảng Nam 2023 (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2023)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top