Theo đó, về kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực so với năm 2023 và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 15,7% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 55,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch từ đầu năm đến nay ước đạt 6,4 triệu lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Nông nghiệp phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực: Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản.
Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hàng loạt các hội nghị chuyên đề, cho chủ trương để từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; giải ngân vốn đầu tư công; về tổ chức và hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; việc thực hiện 3 Chương trình MTQG; đất công ích, đất thổ cư... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 9 tháng, đã cấp mới 25 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 4,8 nghìn tỷ đồng; cấp mới 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 128,14 triệu USD.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số có bước tiến bộ, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, từng bước thích ứng, hội nhập xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tình hình công dân đến các trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, với 7.003 lượt (giảm 35,9%), 6.902 vụ việc (giảm 9%).
Hội nghị lần thứ 17 BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa XXII đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Trong đó, tập trung công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Chủ động triển khai đúng kế hoạch hoạt động của các Tiểu ban Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII; lưu ý, việc tổ chức khảo sát, các hội thảo phục vụ công tác chuẩn bị văn kiện đại hội phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực, phát huy được trí tuệ tập thể, sự tham gia đóng góp của các tầng lớp xã hội, nhất là các chuyên gia, các bậc lão thành cách mạng, tầng lớp trí thức... Chú trọng công tác sắp xếp, bố trí, củng cố, kiện toàn nhân sự gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Phấn đấu phát triển đảng viên mới hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời thiên tai. Rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai; kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ; rà soát khu vực không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời người dân đến nơi an toàn.
Tiếp tục lãnh đạo khắc phục dứt điểm các nội dung theo yêu cầu của các Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo lộ trình và Báo cáo tiến độ đến ngày 31/12/2024 với Trung ương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp, chú ý kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm những nơi có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, phát sinh đơn thư phức tạp liên quan đến nhân sự cấp ủy, các chức danh cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết liệt hơn nữa trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xử lý đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất thổ cư; giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và hiệu quả hoạt động của hệ thống văn phòng đăng ký đất đai; 3 Chương trình MTQG.
Đẩy mạnh khai thác nguồn thu, nhất là thu tiền sử dụng đất, chống thất thu; đánh giá khả năng thu NSNN để chủ động điều hành chi. Thực hiện quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các công trình chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đẩy nhanh tiến độ và triển khai quyết liệt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chuẩn bị, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chủ động triển khai các hoạt động tổ chức hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Nam và 95 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh theo Kế hoạch. Tăng cường công tác cải cách hành chính, xây dựng Đề án chuyển đổi số của tỉnh.
Các cấp ủy, chính quyền, các ngành phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành, địa phương, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; xử lý tranh chấp với các tỉnh giáp ranh; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu về độ che phủ rừng; diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế (FSC) để phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao tỉnh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác trong thực thi công vụ. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số; giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt, nâng cao nhận thức về chủ trương phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo Kết luận số 91-KL/TU. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu theo Kết luận số 91-KL/TU; đối với các chỉ tiêu chưa đạt, khó đạt cần có kế hoạch, giải pháp quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.