Aa

Quảng Ninh đột phá trong phát triển hạ tầng hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ Tư, 08/09/2021 - 13:00

Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, Quảng Ninh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Đẩy mạnh hạ tầng giao thông trọng điểm

Xác định phát triển hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh dồn sức huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Nhiều dự án ghi nhận kết quả tích cực. Trong đó, cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương chính thức được thông xe và đưa vào khai thác sau 14 tháng xây dựng. Việc hoàn thành công trình đồng bộ với nâng cấp, thông tuyến đường 389, cầu Mây đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ thị xã Đông Triều với Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cũng như với tỉnh Hải Dương, các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Hà Nội.

Ngoài ra, nhánh trái - nhánh cuối cùng của đường hầm xuyên núi thuộc dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được thông ngày 23/7. Đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh và cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất nước. Tỉnh quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm 2021.

Dự án tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một dự án đặc biệt quan trọng, nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô công trình giao thông cấp I, có chiều dài toàn tuyến 80,2km. Cùng với đó, dự án còn được phê duyệt điều chỉnh tách thành hai dự án độc lập gồm đường Tiên Yên - Móng Cái (đầu tư theo hình thức công tư - PPP, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao - BOT), với tổng mức đầu tư 9.113 tỷ đồng, tuyến dài 63,26km, gồm 25 cầu và dự án Vân Đồn - Tiên Yên đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, với tổng mức 2.109 tỷ đồng, dài 4,2km. Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời kết nối liên vùng, nội vùng và quốc tế để thúc đẩy phát triển các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm và khu vực phía Bắc. 

Dự án tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng mức đầu tư gần 13 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ để đảm bảo mục tiêu cầu Ka Long 2 hoàn thành trong tháng 10/2021; cầu Cửa Lục 1 và 3 hoàn thành vào cuối năm 2021… 

Ông Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang nỗ lực tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng giao thông động lực, trọng điểm gồm dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, đồng thời cũng là những công trình điểm nhấn, mang giá trị mỹ quan kiến trúc, đô thị nổi bật của địa phương.

Mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương

Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 và đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc động lực ở phía Bắc Việt Nam, đồng bộ hành lang đường bộ, cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa. 

Nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến gần 58.700 tỷ đồng. Riêng năm 2021, dự kiến vốn phân bổ gần 11.700 tỷ đồng. Cụ thể, hơn 17 nghìn tỷ cho ba dự án động lực, trọng điểm, bao gồm: dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1. Các dự án này đều giữ vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của trục tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Dự án cầu Cửa Lục 1 dự kiến hoàn thành trong năm 2021

Song song với việc đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh Quảng Ninh cũng phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị nhằm đưa các thành phố trực thuộc hướng tới đô thị loại I. Với lợi thế đặc thù của thành phố ven biển nên Hạ Long được định hướng sẽ trở thành thành phố du lịch biển văn minh và đồng thời sẽ là thành phố phát triển theo mô hình đa cực. Từ đó, nơi đây sẽ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Ranh giới hành chính thành phố được mở rộng với tổng diện tích tự nhiên gần 28.000ha (gồm vị trí hiện có và các khu vực lân cận huyện Hoành Bồ cũ, thị xã Quảng Yên, TP. Cẩm Phả). Và để đảm bảo kết nối không gian phát triển, đảm bảo sự gắn kết phát triển của cả tỉnh, hướng tới đô thị xanh, thông minh và bảo đảm có tính đột phá, TP. Hạ Long sẽ được phát triển theo mô hình 5 cực, 1 hành lang, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Trong tương lai, TP. Hạ Long được định hướng sẽ trở thành hạt nhân quan trọng của thành phố trực thuộc Trung ương.

TP. Hạ Long định hướng phát triển đô thị theo tiêu chí loại I

Ngoài ra trong năm 2021, TP. Cẩm Phả cũng bắt đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị cơ bản để đạt tiêu chí đô thị loại I, với việc duy trì phát triển trung tâm công nghiệp than, điện, cảng biển, thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe của tỉnh.

Bên cạnh đó, TP. Cẩm Phả cũng sẽ chú trọng việc thu hút nguồn lực đầυ tư xây dựng với tổng số công trình tối thiểu là 10 công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; 20 cơ sở giáo dục, đào tạo cấp đô thị; 10 công trình văn hóa cấp đô thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt tối thiểu 40%…

Với sự vào cuộc tích cực, Quảng Ninh kỳ vọng tạo ra những đột phá mới về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao vị thế của tỉnh ở trong nước và khu vực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top