Chiến lược phát triển mới
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 khu kinh tế, bao gồm 2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, 2 khu kinh tế ven biển của Quảng Ninh gồm Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Quảng Yên. 3 khu kinh tế cửa khẩu có Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và Khu kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Tổng diện tích đất quy hoạch của 5 khu kinh tế này là 375.171 hecta trải dài trên các địa phương Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Hải Hà, Bình Liêu và Móng Cái.
Hiện tại, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng. Ở 2 khu kinh tế còn lại đang được triển khai lập quy hoạch chung xây dựng. Các khu kinh tế cũng đã được tỉnh triển khai đầu tư, lập các quy hoạch phân khu, làm căn cứ thu hút, mời gọi nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có xác định, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là 2 mũi đột phá phát triển của tỉnh. Từ đó, 2 khu kinh tế này đã được tỉnh áp dụng hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/NĐ-CP (ngày 3/4/2017), Điều 15, 16 Nghị định số 218/NĐ-CP (ngày 26/12/2013) của Chính phủ; được Trung ương, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xúc tiến đầu tư.
Chỉ tính riêng tại Khu kinh tế Vân Đồn, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung xây dựng, đến nay đã có 12 quy hoạch phân khu được lập, trong đó có 9/12 đồ án quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích trên 27.000 hecta, làm căn cứ thu hút đầu tư. Các đồ án này đã bám sát định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cùng với việc huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, tạo ra giá trị khác biệt, nổi trội, Khu kinh tế Vân Đồn đến nay đã thu hút được 64 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư gần 63.000 tỷ đồng (61 dự án vốn đầu tư trong nước, 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài). Chỉ tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được trên 37.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, tương đương 146,6% tổng số vốn đã thu hút trong giai đoạn trước.
Và để đảm bảo những khu kinh tế này là trụ cột trong tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, Quảng Ninh đang lập và triển khai Đề án “Xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040” trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết.
Đối với Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng, liên kết phát triển chặt chẽ với các trung tâm kinh tế khác trong tỉnh cũng như trong hệ thống các khu kinh tế ven biển; phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn này khoảng 14 - 15%/năm, quy mô GRDP khoảng 2,6 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người khoảng 29.500 USD. Đến năm 2040, phát triển khu kinh tế ven biển Quảng Yên là đô thị hiện đại, đáng sống, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, trung tâm giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN, Việt Nam và Đông Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8 - 9%/năm.
Đối với Khu kinh tế Vân Đồn, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại... Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 29%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 23%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2040, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đến năm 2030, phát triển trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, năng động trên vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới; phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đến năm 2030 trên 10%/năm, quy mô GRDP khoảng 7,48 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt 22.000 USD; đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên 6%/năm.
Đa dạng các giải pháp trong thu hút vốn đầu tư
Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Quảng Ninh là 853,93 triệu USD, đạt 85,4% chỉ tiêu Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh. Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 19 dự án. Các dự án đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bên cạnh thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc). Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Không chỉ thu hút đầu tư từ FDI, Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là về quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất... để ngành Than phát triển ổn định và bền vững.
Các doanh nghiệp ngành điện, ximăng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... được tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Điển hình như Vân Đồn - từ một huyện đảo có hạ tầng kỹ thuật, nền kinh tế vào diện thấp kém, đến nay Vân Đồn đã hiện hữu những công trình, dự án giao thông trên bộ, trên biển, hàng không đẳng cấp khu vực và thế giới như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên... Đồng thời, huyện đảo Vân Đồn đang từng bước hình thành nên những khu đô thị, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, Khu đô thị và bến cảng cao cấp Ao Tiên, Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Khu đô thị Phương Đông.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư một loạt các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ khác, với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng tại Vân Đồn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng White Pearl; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Khu tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ giải trí Vân Đồn...
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư một loạt các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ khác, với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng tại Vân Đồn như: Khu du lịch nghỉ dưỡng White Pearl; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn; Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Khu tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ giải trí Vân Đồn...
Thị trường bất động sản tại Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày càng hấp dẫn giới đầu tư bởi tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng hoàn thành các Quy hoạch chung, Quy hoạch vùng, Kế hoạch sử dụng đất đai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng là những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh tích cực triển khai nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm như Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Trong số đó, tỉnh ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách, thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời để thúc đẩy các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế sớm đi vào hoạt động. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… phấn đấu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index) cấp tỉnh.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: "Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều khó khăn chung, nhưng Quảng Ninh vẫn duy trì được sức hút mạnh mẽ những dòng vốn FDI chảy vào địa bàn. Điều này không có gì ngạc nhiên khi Quảng Ninh có hạ tầng giao thông, kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại; con người cởi mở, thân thiện; chính quyền liêm chính, trách nhiệm, cầu thị, vì mục đích phát triển chung của tỉnh và đất nước".