TP. Hạ Long là địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3. Với quyết tâm lấy lại hình ảnh của thành phố di sản, thành phố du lịch và củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân, ngày 9/9, Hạ Long đã phát động chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Dù đã chủ động hàng loạt các giải pháp ứng phó, nhưng với sức tàn phá quá lớn, TP. Hạ Long đã trở thành một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất toàn tỉnh.
Tính đến 7h ngày 9/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Các lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 78 người gặp nạn trên các xà lan, tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long, hiện còn lại 8 người đang mất tích, chưa tìm thấy.
Cơn bão cùng làm cho 23 tàu, 28 tàu cá, 15 tàu vận tải, 30 lồng bè bị hư hại; trên 550 nhà xưởng của tổ chức, doanh nghiệp, hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề; trên 50.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà cửa (tốc mái, vỡ kính, đổ sập...); trên 530 trụ sở cơ quan, đơn vị của tỉnh đóng chân trên địa bàn, trụ sở của thành phố, xã phường bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, 225/243 nhà văn hóa thôn khu và một số công trình công cộng bị thiệt hại; 79/119 trường học, cơ sở giáo dục thường xuyên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục sớm; trên 115 khách sạn, chung cư cao tầng bị thiệt hại nặng; trên 90% hệ thống biển hiệu, pano áp phích, quảng cáo... bị hư hại.
Ước tính trên 100.000 cây xanh trên các tuyến đường, trong khu dân cư bị gãy đổ, trong đó có trên 14.000 (80%) cây xanh do thành phố đầu tư; gần 350ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng chục nghìn cây ăn quả của hộ dân bị gãy, đổ; trên 2.500ha keo bị gãy đổ trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh, hậu quả của cơn bão gây ra cho thành phố là rất nặng nề. Do đó việc khắc phục hậu quả của cơn bão để đời sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp quay trở lại bình thường sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của thành phố trong thời điểm này. Vì vậy toàn thành phố sẽ phải huy động tổng lực để trong thời gian sớm nhất Hạ Long sẽ lấy lại hình ảnh của thành phố Di sản, thành phố du lịch và củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân.
Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hạ Long đề nghị thành phố phát động chiến dịch khắc phục cơn bão số 3. Đây sẽ là chiến dịch cao điểm trong 7 ngày để toàn thành phố tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, an sinh xã hội, cứu nạn cứu hộ.
Để chiến dịch đạt hiệu quả cao nhất, thành phố sẽ phát huy mô hình của trên 200 tổ tình nguyện các thôn, khu và huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân, để mỗi người dân cũng là một chiến sĩ.
Triển khai chiến dịch cao điểm, thành phố huy động sức mạnh tổng hợp để tổ chức thu dọn, xử lý toàn bộ cây xanh gãy đổ trên các đường trục chính, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ các trường học, bệnh viện, các điểm xung yếu sạt lở, cứu nạn cứu hộ.
Ngay trong đêm ngày 9/9, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng và nhân dân đã làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả và khôi phục trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Sớm khắc phục sự số điện tại TP. Cẩm Phả
Theo đại diện Điện lực Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng ngành điện. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 9 cột 110kv thì có đến 4 cột đổ, 5 cột bị nghiêng; 13 trạm biến áp hư hỏng, hơn 300 cột trung áp bị gãy và nghiêng.
Ghi nhận của phóng viên Reatimes, tại tuyến đường "huyết mạch" Quốc lộ 18 của tỉnh Quảng Ninh, đoạn phường Cẩm Sơn (TP. Cẩm Phả), hàng loạt cột điện bị gãy đổ do ảnh hưởng của bão số 3 khiến một nửa tuyến đường này trong tình trạng ùn tắc. Người dân phải di chuyển dồn vào một làn để đảm bảo an toàn.
Tối 9/9, ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã đi kiểm tra công tác công tác xử lý điện, mạng viễn thông và hệ thống bơm thoát nước tại địa bàn TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão lớn, có cường độ tăng nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, diện rộng, đã gây ảnh hưởng nặng nề không chỉ tại khu vực Quảng Ninh mà còn nhiều tỉnh phía Bắc. Mặc dù bão đã tan, tuy nhiên hoàn lưu sau bão sẽ tiếp tục gây mưa lớn, nguy cơ sạt lở, ngập lụt rất cao.
Do vậy các đơn vị không được chủ quan, lơ là. Trước mắt, cần tập trung khắc phục, xử lý ngay các hạ tầng cung cấp nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân như điện, nước, viễn thông. Đồng thời, trong quá trình triển khai, cần thực hiện rà soát, đánh giá tác động, có phương án khắc phục, nâng cấp hạ tầng ngành để kịp thời ứng phó đối với các sự cố sau nay.