Aa

Quảng Ninh: Nhận diện khó khăn để định hướng, siết chặt công tác quy hoạch đất đai

Thứ Hai, 22/01/2024 - 13:20

Tỉnh Quảng Ninh chú trọng nhận diện khó khăn, thách thức để định hướng công tác quy hoạch đất đai, sử dụng, phân bổ nguồn lực đất đai hiệu lực và hiệu quả.

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Cụ thể hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 19/5/2023 cùng với nhiều chính sách liên quan đến quản lý đất đai; tăng cường chỉ đạo công tác này.

Trong đó, tỉnh chú trọng nhận diện, đánh giá đúng tình hình, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai có tính đặc thù để định hướng công tác quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn lực đất đai theo đúng tinh thần nghị quyết. Đồng thời, đáp ứng quan điểm, mục tiêu và phương án quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trọng tâm là giải quyết các mâu thuẫn, thách thức đặt ra, nhất là những xung đột giữa các ngành kinh tế có sử dụng đất phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ với phát triển công nghiệp than, khoáng sản, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên cùng một địa bàn. Cùng với đó là những thách thức trong mở rộng, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh với đặc điểm địa hình có trên 80% đất đai là đồi núi và phải giữ gìn, bảo tồn di sản, văn hóa kỳ quan thiên nhiên và môi trường...

Quảng Ninh: Nhận diện khó khăn để định hướng, siết chặt công tác quy hoạch đất đai- Ảnh 1.

Quảng Ninh chú trọng nhận diện, đánh giá đúng tình hình, hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai có tính đặc thù để định hướng công tác quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn lực đất đai. (Ảnh: CTV)

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức, tỉnh đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo đó đã có 14.118 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân tham gia dự thảo luật này.

Các ý kiến tập trung về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, thuê đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, định giá đất, quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành cùng nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương trình, các chương, điều, khoản trong luật…

Tỉnh cũng chỉ đạo sửa đổi hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng đất đai đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đất đai, phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương, như: chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hạn mức, giao đất, tách thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; quy định về việc giao đất đối với các thửa đất nhỏ lẻ, xen kẹp; quy định về thủ tục hành chính về đăng ký đất đai…

Siết chặt quy hoạch đất đai

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh. Theo đó, tỉnh siết chặt công tác quy hoạch đất đai theo chiến lược dài hạn, có tính kế thừa, đảm bảo phù hợp, thống nhất gắn kết chặt chẽ, nhằm nâng cao hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, lập và điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, nhất là kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Hiện, tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung xây dựng các KKT, các đồ án quy hoạch phân khu để làm cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 (cấp huyện); lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh.

Về quy hoạch các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, tỉnh xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để tạo quỹ đất ở, đất sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi cho mục đích thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh.

Quảng Ninh: Nhận diện khó khăn để định hướng, siết chặt công tác quy hoạch đất đai- Ảnh 2.

Quảng Ninh siết chặt công tác quy hoạch đất đai theo chiến lược dài hạn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: Huy Minh)

Đối với đất ở, ưu tiên bố trí tái định cư cho người có đất ở bị thu hồi theo quy định. Đến nay, cấp huyện đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị quỹ đất để bố trí ít nhất 50.000 suất tái định cư trong giai đoạn 2023 - 2030; chủ động đi trước một bước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 8.829 suất, tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024 - 2025 là 6.863 suất; tổng số suất tái định cư dự kiến bố trí giai đoạn 2026 - 2030 (theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) là 34.309 suất, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy.

Song song với đó, tỉnh cũng thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất đảm bảo đúng quy định pháp luật, chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đảm bảo công khai, minh bạch, xác định đúng dự án, đúng đối tượng, đúng trình tự và thủ tục.

Đồng thời, tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất sử dụng đa mục đích.

Đảm bảo cân đối quỹ đất cho phát triển KT-XH, tăng diện tích rừng cảnh quan tại các trung tâm du lịch, dịch vụ; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% đến năm 2025, trên 50% đến năm 2030 và nâng cao chất lượng rừng.

Một yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn thiện cơ chế xác định giá đất.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo giám sát việc thực hiện giá đất; có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất. Chính quyền các cấp tăng cường quản lý thị trường đất đai, bất động sản, không để xảy ra tình trạng đầu tư, thổi giá đất làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, quyết liệt trong hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai trên địa bàn tỉnh, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước. Việc xác định giá đất phải đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch, đúng quy định, không để lợi dụng, trục lợi tham nhũng...

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng được tăng cường. Từ tháng 6/2022 đến 30/11/2023, tỉnh đã chỉ đạo 12 cuộc kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư. Tỉnh cũng chỉ đạo nhiều cuộc thanh tra liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong đó Thanh tra tỉnh đã ban hành 52 kết luận thanh tra KT-XH liên quan đến lĩnh vực đất đai.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023, thanh tra chuyên đề diện rộng trên địa bàn đối với 175 dự án sử dụng đất, mặt nước từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ và đã đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với 69 dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh còn phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý, sử dụng đất; phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý kịp thời, hiệu quả./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top