Đông Triều được định hướng xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 14/10/2020, của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn thị xã Đông Triều giai đoạn 2020 - 2025, phù hợp với Quy hoạch thị xã Đông Triều thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn thị xã Đông Triều.
Định hướng phát triển trên đã được sự thống nhất cao của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị. Trên địa bàn thị xã hiện đang có nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả, như: Ổi lê, thịt trâu, na bở, lúa chất lượng cao ĐT 100.
Đặc biệt, cây na Đông Triều cho giá trị kinh tế cao, đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Cây na được trồng tại 14/21 phường, xã và được chia làm 2 vùng trồng, trong đó vùng chủ lực tại các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh. Do thời tiết ủng hộ nên sản lượng na năm 2024 đạt gần 11.000 tấn, năng suất 110 tạ/ha. Trong thời điểm cho thu hoạch chính vụ giữa tháng 8 vừa qua, giá bán khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng.
Tiêu biểu như xã An Sinh hiện có diện tích trồng na lên tới 450ha, chiếm tới gần một nửa tổng diện tích trồng na của cả thị xã Đông Triều. Cây na được nông dân xã đầu tư trồng thâm canh và duy trì từ nhiều năm nay cho thu nhập ổn định từ 180 - 200 triệu đồng/ha.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, nhờ các mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với cả nước 1,6 lần. Điều đó góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thị xã Đông Triều giai đoạn 2021 - 2023 lên 14%.
Đến tháng 10/2024, Đông Triều có 11/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, có 8/11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện nay, còn 3 xã (Tràng Lương, Hồng Thái Tây và Hồng Thái Đông) đã đủ tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đang trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo đó, hết năm 2024, Đông Triều hoàn thành mục tiêu 100% số xã xây dựng xã NTM kiểu mẫu trước năm 2025. Đồng thời, xây dựng mô hình thôn, xã thông minh trong xây dựng NTM kiểu mẫu đối với 7 xã (Nguyễn Huệ, Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Tràng Lương, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông). Đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 thôn thông minh, trong đó Việt Dân xây dựng theo hướng xã thông minh - kiểu mẫu theo 3 trụ cột chính (xã hội số, kinh tế số, chính quyền số).
Theo lãnh đạo thị xã Đông Triều, địa phương hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu "thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững". Qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị, nhất là sau khi Đông Triều trở thành thành phố.
Hiện địa phương đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Đông Triều tập trung triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp gắn xây dựng NTM với đô thị thông minh.
Trong đó, chú trọng xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM kiểu mẫu, tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ giữa các cấp; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện cải cách hành chính theo hướng chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở cấp xã; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp.
Bên cạnh đó, phấn đấu 100% các thôn có camera an ninh gắn kết với hệ thống quản lý an ninh của xã; có kênh trao đổi thông tin trực tuyến giữa người dân và chính quyền qua các nền tảng ứng dụng công nghệ số (Zalo; Facebook...); 100% các xã có phòng họp trực tuyến kết nối liên thông 4 cấp (Trung ương, tỉnh, thị xã, xã)…
Ngoài ra, Đông Triều tập trung thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn... Đồng thời củng cố, hoàn thiện hạ tầng sản xuất; đa dạng hóa các ngành nghề trong nông thôn bằng việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Đông Triều cũng tập trung phát triển xã hội số, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho các xã thực hiện xây dựng NTM theo hướng nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu. Triển khai lắp mạng Wifi miễn phí khu vực công cộng; đảm bảo 100% người dân theo độ tuổi lao động trong xã có điện thoại thông minh; 100% người dân trưởng thành trong xã có tài khoản thanh toán điện tử. Tỷ lệ hộ kinh doanh trên địa bàn xã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 65% trở lên.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở 5 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đông Triều, Ba Chẽ, Cẩm Phả, Móng Cái, Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Đông Triều và thành lập TP. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Việc thành lập TP. Đông Triều sẽ là động lực mạnh mẽ để địa phương phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có, bứt phá để xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị thông minh./.