Theo đó, TP. Đông Hà mang tính chất là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh và có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ, là một trong những đô thị động lực trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Mục tiêu của tỉnh sẽ xây dựng TP. Đông Hà đến năm 2030 trở thành đô thị loại II, đến năm 2045 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trở thành đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững, vừa là một đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, vừa là một trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.
TP. Đông Hà sẽ được phát triển theo mô hình đô thị Một – Ba – Bốn, gồm: Một trung tâm hiện hữu; Ba tuyến trung tâm là tuyến cảnh quan đô thị sông Hiếu gắn với thương mại – dịch vụ - du lịch, tuyến phía Bắc là tuyến hành lang thương mại – dịch vụ - y tế - thể dục thể thao, tuyến phía Nam là tuyến hành lang công nghiệp công nghiệp cao thân thiện môi trường và kho tàng; Bốn điểm đột phá gồm khu thương mại dịch vụ và trung tâm động lực phía Bắc, khu đô thị sinh thái phía Nam, khu đô thị thương mại – dịch vụ phía Đông, khu đô thị sinh thái hồ Khe Mây và Trung Chỉ.
Dự kiến, TP. Đông Hà sẽ được phát triển thành 6 phân khu, gồm: phân khu tập trung và kết nối các đầu mối quan trọng về chính trị và kinh tế (quy mô 1.324ha); hành lang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, kho tàng, các trung tâm giáo dục, y tế kết hợp các khu đô thị mới, gắn với phát triển du lịch sinh thái hai bên sông Vĩnh Phước (quy mô 1.760ha); khu đô thị sông nước có mật độ thấp, kết hợp phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch sinh thái, khai thác cảnh quan bờ bắc sông Hiếu (quy mô 338ha); trung tâm thương mại – dịch vụ, tài chính ngân hàng, các khu đô thị mới gắn với không gian cây xanh bờ Bắc sông Hiếu, Hói Sòng và sông Thạch Hãn (quy mô 780ha); trung tâm hành chính mới (cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia), phát triển thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn liền với không gian cảnh quan, sinh thái sông Thạch Hãn (quy mô 1.152ha); khu cảnh quan thiên nhiên hồ Khe Mây, núi phía Tây Nam và Nam sông Hiếu, phát triển tổ hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dịch vụ công cộng (quy mô 1.955ha).
Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội của TP. Đông Hà, ngoài định hướng về phát triển hạ tầng trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hoá thì xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch chủ yếu gắn với sinh thái hứa hẹn sẽ tạo ra điểm riêng biệt, thu hút của thành phố tỉnh lỵ Quảng Trị.
Trong đó, phát triển nông nghiệp đô thị cung ứng công nghệ cao theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hình thành vùng nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh sinh thái kết hợp với du lịch, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị,…
Trong những năm qua, TP. Đông Hà đang dần trở thành một khu vực mới mẻ, hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư bất động sản. Nhiều ông lớn đã đến đầu tư hoặc bày tỏ sự quan tâm đối với nhiều dự án trên địa bàn, nổi bật như dự án Vincom Shophouse Royal Park do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, tạo sức hút chưa từng có tại thị trường bất động sản Quảng Trị trong nhiều năm trở lại, hứa hẹn là một trung tâm mua sắm hiện đại, sầm uất nhất khu vực Bắc Miền Trung.