Cảng quân sự Đông Hà vốn được xây dựng năm 1967, làm nơi tập kết hàng hóa, phương tiện chiến tranh bằng đường thủy phục vụ cho chiến trường Đường 9, Nam Lào và Bắc Quảng Trị của chính quyền miền Nam.
Mong mỏi được phục hồi tu bổ
Sau năm 1972, khi cụm cứ điểm Ðông Hà bị tiêu diệt, Cảng quân sự Ðông Hà nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng và trở thành một trong những nơi tập kết, giao nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trước khi vận chuyển vào phía Nam. Năm 1986, Cảng quân sự Đông Hà được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia, với diện tích 512.692m2 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh năm 2013 theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà, di tích thành phần trong hệ thống các Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, bao gồm các di tích gốc: Bến nghiêng, Bến đứng, Lô cốt, Nhà kho, trụ sở làm việc...
Theo ghi nhận của PV Reatimes, trải hơn nửa thế kỷ, hiện di tích này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục công trình đã biến dạng và nằm trong tình trạng nguy cấp. Thậm chí cũng với việc xuống cấp và thiếu những bảng hiệu chỉ dẫn, nếu không phải là người địa phương, hoặc người am hiểu lịch sử rất khó nhận ra di tích đặc biệt này dẫu nó nằm ngay sát QL 1A, trung tâm TP. Đông Hà. “Thực sự chúng tôi nghe Chính phủ có quyết định quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi, rồi UBND tỉnh triển khai tu bổ mà nghe làm trong năm ni luôn nên tui cũng vui lây. Di tích quý thế mà để xuống cấp, không phát huy giá trị thiệt uổng phí”, ông Phan Văn Tính, người dân ở gần di tích thổ lộ.
Sớm trình Thủ tướng đồ án quy hoạch
Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà nằm bên QL 1A, cầu Đông Hà và gần chợ Đông Hà hiện nay. Trước thực trạng xuống cấp, hư hại nặng của di tích này, ngày 14/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng Quân sự Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 8,2ha, thuộc địa phận phường 2, TP. Đông Hà. Ranh giới lập quy hoạch phía Bắc giáp sông Hiếu, phía Nam giáp đường Bùi Thị Xuân, phía Đông giáp Hải Đội 2 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phía Tây giáp khách sạn Sài Gòn - Đông Hà.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà nằm ngay khu vực sông Hiếu - là trục trung tâm để phát triển đô thị Đông Hà. Vị trí Cảng quân sự Đông Hà có chức năng là địa điểm đánh dấu di tích, bảo tồn hiện vật gốc, xây dựng công viên cây xanh và bến thuyền phục vụ du lịch. Vị trí này sẽ trở thành không gian văn hoá, cảnh quan bên bờ sông đồng thời là nơi đầu mối giao thông phục vụ cho du lịch. Trên cơ sở đó, tính chất phát triển của nghiên cứu được xác định gồm: Trục cảnh quan bên bờ sông Hiếu, bố trí đường dạo ven sông; khu vực cây xanh; khu vực bảo tồn một số hiện vật gốc, bia đài di tích; khu vực bến thuyền phục vụ du lịch…
Phương án cơ cấu quy hoạch đó là đáp ứng bảo tồn một số hiện vật gốc Cảng quân sự Đông Hà, đồng thời xây dựng công viên cây xanh kết hợp với bia đài di tích và bến thuyền tạo thành một quần thể di tích văn hoá, du lịch hiện đại. Giải pháp cơ cấu tổ chức quy hoạch bao gồm: Tháo dỡ nhà kho đã có; giữ nguyên các di tích lô cốt, một phần bến nghiêng và phục dựng một đoạn kè. Từ đường Bùi Thị Xuân mở một số đường dạo nội bộ; xây dựng hệ thống vườn hoa, các khu chức năng mang tính thẩm mỹ cao...
Để triển khai nhiệm vụ bảo tồn, tu bổ, phục hồi phát huy các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Cảng quân sự Đông Hà, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã chủ trì cuộc họp để nghe ý kiến của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh và các phòng, ban liên quan. Theo kế hoạch của tỉnh, trong kế hoạch phục hồi, tu bổ di tích đặc biệt này sẽ xây dựng công viên lịch sử văn hóa gắn liền với cảng du lịch góp phần tạo cảnh quan sinh thái bờ Nam sông Hiếu cũng như cảnh quan kiến trúc đô thị của TP. Đông Hà, từ đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh cũng như giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.
Ông Hoàng Nam yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh xây dựng quy hoạch Cảng quân sự Đông Hà và quy hoạch này phải gắn liền với quy hoạch chung của thành phố, của tỉnh nhằm đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng, hài hoà về cảnh quan, không gian, kiến trúc; đảm bảo giữ gìn yếu tố gốc của di tích để thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Ông Nam cũng lưu ý việc chọn đơn vị tư vấn phải đảm bảo các quy định của pháp luật. UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ đồ án đầu tư; yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và UBND TP. Đông Hà tích cực phối hợp các đơn vị liên quan để việc xây dựng đồ án đạt chất lượng, hiệu quả đúng tiến độ; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sớm hoàn thành việc tư vấn lập hồ sơ, đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh thẩm định trong tháng 9/2021. Đầu tháng 10/2021 lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị địa phương liên quan nhằm tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Dự kiến giữa tháng 10/2021, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định và để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ, đồ án quy hoạch.