Aa

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù phát triển Thừa Thiên - Huế

Thứ Hai, 15/11/2021 - 06:35

Với tỷ lệ 87,37% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sáng ngày 13/11, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Xử lý cơ sở nhà đất qua một cơ chế

Các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm: Về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Được biết hiện nay mức dư nợ vay của ngân sách địa phương đang thực hiện không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (trần vay tối đa 1.293 tỷ đồng/năm tính theo ngân sách tỉnh hưởng theo phân cấp năm 2019). Tính đến ngày 31/12/2020 hạn mức dư nợ vay cho phép còn lại là 99,3 tỷ đồng, tương ứng 1,5%. Khi áp dụng cơ chế trên mức dư nợ vay tối đa là 40%, tức là trần vay khoảng 2.587 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.300 tỷ đồng sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để thực hiện huy động các nguồn lực ODA, nguồn vay hợp pháp để triển khai các dự án đã và đang thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.

TP Huế
TP. Huế hướng nhìn từ bờ Bắc sáng bờ Nam sông Hương (Ảnh: HOÀNG NGỌC QUÝ)

Theo Nghị quyết Quốc hội thông qua, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đồng thời, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây chính là cơ sở quan trọng để tỉnh Thừa Thiên - Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Như vậy, với sự phân bổ này dự kiến số kinh phí tăng thêm của tỉnh Thừa Thiên - Huế khoảng 400 tỷ đồng/năm. Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, phần kinh phí tăng thêm sẽ tạo điều kiện để tỉnh tăng định mức chi các sự nghiệp: Giáo dục đào tạo; Y tế; Văn hóa và thông tin; Khoa học và công nghệ; sự nghiệp bảo vệ môi trường và sự nghiệp kinh tế khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thành lập Quỹ Quốc gia bảo tồn di sản Huế

Về phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước (sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí). Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Huế
Thừa Thiên – Huế đang xây dựng trở thành thành phố trực thuộc tTung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh (Ảnh: ĐÌNH TOÀN)

Về Quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý. Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ Quỹ. Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thông qua nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh là niềm vui lớn cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh. Các cơ chế, chính sách này đều tập trung vào việc tạo thêm cho Thừa Thiên - Huế có điều kiện phát huy tính tự lực, tự cường để tạo ra nguồn lực nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, qua đó sớm đưa Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc trung ương.

TP Huế
Bộ mặt đô thị TP. Huế có nhiều thay đổi, sáng đẹp hơn trong thời gian gần đây (Ảnh: ĐÌNH TOÀN)

Đây cũng là sự khẳng định quyết tâm của Trung ương trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên - Huế phát triển; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong việc nỗ lực tối đa để vượt qua thử thách, khó khăn, chớp lấy cơ hội để đưa toàn tỉnh phát triển đột phá lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và trung ương.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và thực hiện trong 5 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định.

Được biết, cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại kỳ họp trên Quốc hội cũng đã thông qua các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top