Aa

Quy định mới về PCCC: Doanh nghiệp kêu khó, tháo gỡ thế nào?

Thứ Sáu, 16/06/2023 - 06:06

VCCI vừa kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ về các quy định PCCC trước tình cảnh nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì không thể, hoặc phải rất tốn kém thời gian và chi phí mới đáp ứng được các tiêu chuẩn mới khắt khe.

Quy định mới về PCCC hiện đang vượt cả nước phát triển

Nhiều doanh nghiệp đang than phiền về những quy định mới trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện vượt cả nước phát triển và chưa có tính khả thi khi áp dụng tại Việt Nam, khiến doanh nghiệp rất mất thời gian, chi phí, thậm chí không thể tuân thủ.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), chủ tịch HĐQT GP.Invest cho biết, các doanh nghiệp xây dựng không chỉ khó khăn về dòng vốn, pháp lý, mà còn vô cùng vất vả khi phải chạy theo các quy định về PCCC.

Cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác, ông Hiệp cảm thán: "Không ở đâu mà một nước đang phát triển như Việt Nam lại có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cao như các nước phát triển, cụ thể chúng ta đang theo tiêu chuẩn Mỹ và có thêm những quy định khác nữa. Có thể nói, các quy định về PCCC đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp".

Đơn cử, quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) đang cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới. Thí dụ, trước đây hệ thống ống gió điều hòa chỉ cần bọc amiăng, nhưng theo quy định này, buộc phải bọc bằng thạch cao chống cháy rất đắt đỏ.

Đặc biệt, quy định về PCCC hiện nay có những yêu cầu rất đặc biệt về vật liệu phòng cháy chữa cháy, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng cung cấp vì phải nhập khẩu độc quyền, chi phí rất cao. Đơn cử như sơn chống cháy, khi chưa có Luật Phòng cháy chữa cháy, giá là 100.000 đồng, nhưng thời điểm 2022 có giá 700.000 đồng; kính chống cháy thay vì giá 1 triệu đồng, đã tăng lên tới 20 triệu đồng…

Ngoài ra, để công trình được đi vào sử dụng, hầu hết các thủ tục phải phụ thuộc vào việc hoàn thiện các thủ tục PCCC. Nhưng chi phí cũng như thời gian thực hiện việc này kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

ông nguyễn quốc hiệp
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), chủ tịch HĐQT GP.Invest (Ảnh: Reatimes)

Những khó khăn này đã được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận. Tại phiên họp thường kỳ thứ 23, Quốc hội khóa XV hồi tháng 5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí dừng hoạt động sau khi các quy định mới về PCCC có hiệu lực.

Cụ thể, nhiều công trình đã được đầu tư theo phương án cũ bảo đảm quy định tại Nghị định số 97/2014/NĐ-CP, có kết cấu bê tông chắc chắn, hoặc thi công hết phần đất xây dựng, nhưng lại phát sinh vướng mắc khi thẩm định theo quy định mới. Để đáp ứng được, có khi phải đục bê tông để dẫn ống nước vào từng tầng, từng phòng, thậm chí chỉnh sửa cả kết cấu công trình…

Thêm vào đó, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về PCCC không phân biệt được quy mô dự án, tính chất công trình, khó thực hiện trên thực tế quy định yêu cầu sử dụng vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cảnh báo, sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa nếu không nghiệm thu được công trình mới. Do đó, việc sửa đổi các quy định về PCCC là điều cấp thiết.

Tiêu chuẩn mới, an toàn hơn những phải phù hợp với thực tế

Ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136 về PCCC, ngày 13/6, Liên đoàn Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản góp ý với Bộ Công an, đề xuất sửa đổi Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP về PCCC.

Trong đó, VCCI chỉ ra, có nhiều quy định không cần thiết gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử, dù Nghị định không áp dụng hồi tố, nhưng vẫn yêu cầu một số doanh nghiệp làm lại thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế PCCC nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện theo tiêu chuẩn mới.

Về thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng, theo nhiều doanh nghiệp, phạm vi quy định của Nghị định 136 tương đối rộng, do chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến việc cải tạo cũng có thể phải xin thẩm duyệt thiết kế.

Do vậy, VCCI đề nghị sửa đổi theo hướng, nếu việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn PCCC mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế. Như thay đổi công năng; ảnh hưởng đến đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC đối với các công trình xung quanh; bổ sung vách ngăn, tường ngăn để ngăn chia lại mặt bằng ảnh hưởng đến đường thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, diện tích gian phòng hoặc có thêm hành lang…

phòng cháy chữa cháy
VCCI đề nghị sửa đổi  theo hướng việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn phòng cháy,
chữa cháy mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh minh họa: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Về quy định xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở, Dự thảo Nghị định chưa nêu rõ việc xây dựng phương án chữa cháy trong trường hợp công trình xây dựng gồm nhiều toà nhà có chung khối đế, khối tầng hầm do cùng một đơn vị quản lý.

Thực tế, doanh nghiệp phản ánh một số cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu doanh nghiệp lập phương án chữa cháy cho từng toà nhà, dù cơ sở cùng một chủ đầu tư, chung khối đế, tầng hầm và đơn vị quản lý. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về nội dung này.

Ngoài ra, Điều 16.3 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt hay kém.

Vấn đề này có thể gây ra tình trạng quản lý thiếu minh bạch, tốn kém hay lợi dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời giảm động lực tuân thủ quy định của doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.

Thêm vào đó, hiện nay có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của các cơ quan nhà nước khác nhau cùng kiểm tra doanh nghiệp dẫn đến trùng lặp, chồng chéo về nội dung kiểm tra. Ngoài cơ quan công an, còn có cơ quan quản lý về xây dựng, về an toàn lao động, về an toàn hoá chất, thậm chí cả bảo vệ môi trường cũng kiểm tra doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định vào Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP: "Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm theo hướng kết hợp kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top