Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3 này, có hơn 8.080 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký là 81.156 tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và giảm 18% về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 1.801 doanh nghiệp, giảm 22,3% so với tháng 2/2018.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 26.785 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăng ký là 278.489 tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5%. Số người lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là gần 225.390, giảm 22,7%.
Lượng doanh nghiệp thành lập này tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, ô tô, xe máy chiếm 34,4%, xây dựng chiếm 13,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,2%, khoa học, công nghệ...
Về số vốn đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 79.153 tỷ đồng, chiếm 28,4%; tiếp đến là xây dựng có 42.138 tỷ đồng, chiếm 15,1%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 38.498 tỷ đồng, chiếm 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 28.980 tỷ đồng, chiếm 10,4%...
Trong 3 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều có xu hướng giảm trên cả nước so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, chỉ có khu vực Tây Nguyên là có mức gia tăng với tỷ lệ 10,6%.
Cụ thể, chỉ có 4 ngành có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2017, cụ thể: y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 28 doanh nghiệp, tăng 40,0%, tiếp đó là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 240 doanh nghiệp, tăng 20,6%... Các ngành còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.234 doanh nghiệp.
Cùng thời gian này, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 12.222 doanh nghiệp, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế như bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 38,7%); xây dựng chiếm 15,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,8%; vận tải kho bãi chiếm 5,9%; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác chiếm 5,8%;...