Báo cáo quý II/2019 của CBRE cho biết, tại thị trường Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 17.700 căn mở bán mới - một trong những nửa đầu năm có nhiều nguồn cung mới nhất.
Trong đó, quý II ghi nhận mở bán 6.400 căn. Theo phân khúc, trung cấp và bình dân chiếm lĩnh thị trường, chiếm khoảng 98% tổng nguồn cung mở bán mới trong quý II. Phân khúc cao cấp chỉ có hai dự án mở bán mới nằm tại khu vực Tây Hồ.
Doanh số bán hàng tương đối khả quan trong quý II với trên 40% nguồn cung mở bán mới được tiêu thụ. Trong quý cũng có tổng cộng 6.900 căn bán được, tăng 17% theo năm. Hoạt động mở bán tích cực và tiến độ xây dựng khả quan từ cả các dự án khu đô thị và dự án nhà ở riêng lẻ đã đóng góp vào doanh số bán hàng những con số tích cực.
Về giá bán trung bình trong quý II ghi nhận ở 1.337 USD/m2, tăng 4% theo năm. Nếu so sánh cùng một rổ các dự án theo năm, mức giá sơ cấp chỉ tăng nhẹ 1%. Đáng chú ý, phân khúc cao cấp ghi nhận mức giá trung bình là 2.345 USD/m2 - mức giá cao nhất ở phân khúc này trong vòng 5 năm trở lại đây.
CBRE dự báo, lượng mở bán mới trong năm 2019 dự kiến rơi vào khoảng trên 33.000 căn - mức tương đương với giai đoạn 2016 - 2018. Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường, dự đoán chiếm khoảng 70 - 80% tổng nguồn cung mở bán mới, cho thấy thị trường Hà Nội vẫn hướng đến phân khúc người mua để ở.
Tuy nhiên, các sản phẩm khu đô thị gần đây cũng thu hút bộ phận các nhà đầu tư nội địa.
Trong khi các quận nội thành đang trở nên đông đúc hơn, nguồn cung nhà ở dự kiến sẽ chuyển dịch ra xa dần bán kính 10km từ khu vực trung tâm hiện hữu. Các dự án khu đô thị sẽ tập trung nguồn cung chính mang lại tiện ích đồng bộ và các sản phẩm đa dạng. Với hạ tầng ngày càng phát triển và những sự hợp tác gần đây giữa các tập đoàn lớn, các dự án này dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong các năm sắp tới.
Nhận định chung về thị trường nhà ở chung cư Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao, dịch vụ Tư vấn và Nghiên cứu của CBRE cho hay: “Các doanh nghiệp để tăng giao dịch mua bán, thời gian qua họ đã đưa ra nhiều chương trình mở bán, khuyến mại. Hơn nữa, khác với giai đoạn trước chỉ tập trung làm nhà ở mà bỏ qua tiện ích hiện nay rất nhiều nhà đầu tư đã coi trọng việc xây dựng tiện ích trước để thu hút khách hàng.
Cùng với đó, Chính phủ đang ngày càng đầu tư về hạ tầng, giao thông đang được kết nối tốt hơn là cơ sở để mở rộng thị trường nhà ở Hà Nội về 4 phía. Đặc biệt, nguồn cung tăng lên tại khu Đông và khu Tây.
Ngoài ra, Chính phủ đang hạn chế tín dụng vào bất động sản, theo đó nhà đầu tư đang rất cố gắng đa dạng nguồn vốn đầu tư của mình, mở rộng thu hút FDI. Theo đó, nguồn cung mới trong nửa cuối năm sẽ đến từ phân khúc cao cấp và hạng sang”.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MIK Group phân tích, trong vòng 5 năm trở lại đây, nguồn cung và nguồn cầu sản phẩm bất động sản đã được kiểm soát tốt và giá bán bất động sản không thấy tăng nhanh.
Nếu có 1.000 căn hộ, chủ đầu tư sẽ không mở bán hết mà sẽ theo từng giai đoạn để điều chỉnh, cân đối với thị trường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư hiện nay đã quan tâm đến xu hướng của người trẻ mua nhà như diện tích, tiện ích, sự thoải mái và thông minh để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.
Ông Trân nhận định: “Khi chúng ta kiểm soát được nguồn cung và nguồn cầu thì sẽ kiểm soát được giá bán, không dẫn đến các yếu tố bong bóng. Tôi nghĩ đây là thời điểm hoàn hảo để chúng ta đầu tư căn hộ kể cả ở phân khúc hạng sang bởi hiện tại giá vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực”.