Nói đáng tiếc bởi lẽ chuyện không đáng xảy ra thì lại để nó xảy ra, tạo nên sự bất ổn trên công luận, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã đầy vất vả của người dân, hơn nữa còn làm giảm lòng tin vào bộ máy công quyền.
Ấy đấy, đó là chuyện Lãnh đạo Bộ Y có công văn yêu cầu xử lý một Chủ tịch hiệp hội ngành nghề ở địa phương vì bất đồng chính kiến; chuyện Chánh văn phòng Bộ X có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân một Phó giám đốc Sở trực thuộc về những phát ngôn không “chuẩn chỉ” tại diễn đàn Quốc hội, trong khi vị này đương nhiệm là Đại biểu Quốc hội...
Nhưng nếu có thể nêu ví dụ về việc sử dụng quyền công chức thiếu khôn ngoan thì có lẽ nên lấy việc làm mới đây của Chủ tịch huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Trong một thời gian ngắn, ông đã ra hàng chục văn bản, rồi tổ chức hẳn một “đội tuyên truyền” với xe biển xanh trong nhiều ngày phát loa đi quanh thị trấn “bêu xấu” nhà đầu tư đang thực hiện chợ tại trung tâm huyện.
Ai cũng hiểu ở cấp huyện, chủ tịch huyện là to lắm, người đứng đầu cơ quan hành pháp tại địa phương có quyền hạn rất lớn. Thế nhưng, tiếng tăm của sự việc chính quyền “chơi sát ván” với nhà đầu tư ấy đã vượt quá ranh giới của một huyện vùng trung du miền Bắc, khiến cho dư luận cả nước quan tâm và lo ngại về việc triển khai chủ trương của Chính phủ nhằm thực thi một chính quyền kiến tạo và phục vụ ở cấp địa phương.
Chợ Hiệp Hòa vốn đã xuống cấp, nay muốn đầu tư xây dựng lại theo hướng xã hội hóa. Năm 2012, UBND huyện Hiệp Hòa kêu gọi đầu tư xây dựng thì đến năm 2015, Công ty TNHH BĐS đầu tư thương mại Hiệp Hòa (Công ty Hiệp Hòa) là liên danh giữa Công ty TNHH một thành viên Hà Nam và Công ty TNHH nền móng Long Xuyên được chọn làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện trên diện tích khoảng 5.600 m2, với 361 điểm kinh doanh, tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng. Trong hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư cam kết sử dụng một phần kinh phí để xây dựng chợ tạm; hỗ trợ địa phương cũng như ưu tiên các hộ kinh doanh tại chợ cũ được đấu giá thuê ki-ốt tại chợ mới. UBND huyện Hiệp Hòa có trách nhiệm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương... nhằm bảo đảm tiến độ của dự án.
Cứ ngỡ “có phải duyên nhau thì thắm lại”, nào ngờ chỉ ít lâu sau, khi công trình đang xây dựng dở dang thì lại xảy ra chuyện vừa “xanh như lá”, vừa “bạc như vôi” như bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã từng nhắc nhở.
Lúc này, công trình chợ Hiệp Hòa hoàn thành cơ bản phần thô, chủ đầu tổ chức bán ki-ốt với giá kinh doanh. Nhận được phản ánh của nhiều hộ dân, liên tiếp trong các tháng 3, 4, 5/2017, UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức kiểm tra dự án và kết luận: Dự án chậm tiến độ; chủ đầu tư tự ý đưa mức giá quá cao, tổ chức đấu giá, bán và thu tiền ki-ốt không hợp lệ; một số hạng mục thi công sai thiết kế được phê duyệt; thi công một số hạng mục ngoài thiết kế không có giấy phép... Trên cơ sở đó, UBND huyện Hiệp Hòa quyết định đình chỉ thi công và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xử lý các vi phạm của chủ đầu tư theo quy định.
Nếu chỉ dừng lại đến đây thôi thì chuyện sẽ không có gì phải ầm ĩ thế. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đã ký quyết định thành lập tổ tuyên truyền về một số nội dung vi phạm của Công ty Hiệp Hòa với 18 thành viên; thành lập tổ liên ngành gồm 33 người ngăn chặn người lao động và phương tiện chở vật liệu vào công trình. Liền với đó, UBND huyện liên tục cho xe ô tô chuyên dụng với sự tham gia của lực lượng công an chạy quanh thị trấn và khu vực dự án xây dựng chợ Trung tâm Hiệp Hòa phát loa từ sáng đến chiều với nội dung kêu gọi người dân không được thuê ki ốt vì cơ quan chức năng đang nhận được tố cáo chủ đầu tư lừa đảo, chưa trả nợ…
Ôi, mời người ta đến đầu tư, mới nhận được tố cáo, chưa làm ra môn ra khoai mà đã rêu rao đến cụm từ “lừa đảo” thì quả là việc không nên chút nào.
Có thể dễ dàng nhận thấy 3 điều thiếu khôn ngoan khi vị Chủ tịch huyện Hiệp Hòa sử dụng quyền lực của mình.
Thứ nhất, chợ trung tâm luôn luôn là điểm nóng, ảnh hưởng tới cuộc sống rất nhiều người dân, không chỉ ngót 300 bà con tiểu thương đã gắn bó ở đây nhiều năm mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm của hàng nghìn, hàng vạn bà con nông dân. Chậm hoàn thành ngày nào là bà con vất vả ngày đó. Việc dùng biện pháp “tẩy chay” quyết liệt kia rất dễ đẩy sự việc đến tình trạng chậm tiến độ dự án, kéo dài thêm sự vất vả của người dân, chưa nói đến lợi ích kinh tế của địa phương sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, việc mang xe chuyên dụng biển xanh phát loa kêu gọi người dân không được thuê ki ốt vì cơ quan chức năng đang nhận được tố cáo chủ đầu tư lừa đảo, chưa trả nợ… vừa là hành vi thiếu hiểu biết luật pháp, vừa thiếu văn hóa khi huyện đang mang danh là trải thảm đỏ đối với các nhà đầu tư. Bởi cho đến giờ này, chưa có một cơ quan chức năng nào kết luận có yếu tố “lừa đảo” của chủ đầu tư ở dự án này.
Thứ ba,tạo ra một hình ảnh không mấy tốt đẹp về chính quyền địa phương trong con mắt của các nhà đầu tư. Nghe nói huyện Hiệp Hòa đang kêu gọi đầu tư 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 660 tỷ đồng giai đoạn 2017- 2020, đó là xây dựng cầu treo Mai Đình - Tam Giang dài 168m, tổng mức đầu tư khoảng 40,5 tỷ đồng; dự án đường dẫn vào cầu treo Mai Đình - Tam Giang tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng; dự án đường nối đường tỉnh 295 với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và cầu Xuân Cẩm, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Các cụ xưa nói: “Cả giận mất khôn” cũng là vì thế!
Chắc chắn sẽ có nhiều biện pháp khôn ngoan hơn để khiến chủ đầu tư phải tôn trọng luật pháp và các cam kết của mình. Và cũng chắc chắn rằng không một ai ngây thơ đem 60-70 tỷ đồng để đùa giỡn với pháp luật, và cũng không có một nhà đầu tư nào lại dại dột mang thương hiệu của mình đi lừa đảo chính các “thượng đế” cũng của mình, lại còn trên “đất khách quê người nữa”!