Aa

Quyết liệt triển khai tái cơ cấu theo đề án chính phủ, Techcombank đạt lợi nhuận 2023 cao hơn so với mục tiêu đầu năm

Thứ Ba, 23/01/2024 - 10:03

Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 22,9 nghìn tỷ, vượt kế hoạch đã trình Đại hội đồng Cổ đông hồi tháng 4.2023. Điều này thể hiện khả năng nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, cùng với năng lực triển khai kế hoạch của nhà băng này.

Theo kết quả kinh doanh Quý IV/2023 mới được công bố, Techcombank đã vượt sớm nhiều mục tiêu đặt ra tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025". Mặc dù 2023 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, Techcombank vẫn đạt được những kết quả ấn tượng nhờ những nỗ lực không ngừng của Techcombank trong việc xây dựng nền tảng vững chắc.

Trên cơ sở tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng lợi nhuận bền vững, Ngân hàng tự tin đề xuất chính sách cổ tức toàn diện để trình Đại hội đồng Cổ đông vào Tháng 4 sắp tới. Ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ của Ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Với kết quả kinh doanh khả quan ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều biến động, Ngân hàng tin tưởng rằng, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt như nêu trên, trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành, và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 từ 14-15%, là hoàn toàn khả thi.

Vượt kế hoạch nhiều mục tiêu

Cụ thể, trong năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên mức 849,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm lên ngưỡng 530,1 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi NHNN. Số dư CASA tăng liên tiếp trong 3 quý, đạt 181,5 nghìn tỷ, tăng 37,0% so với cùng kỳ và 31,9% so với quý 3, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%. Mức tăng trưởng cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của Techcombank, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng thuộc nhóm đầu trên toàn cầu – đạt hơn 50 lượt/ khách hàng chủ động.

Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn (TD) đạt 273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm và tương đối ổn định theo quý, do lợi suất bắt đầu ít hấp dẫn hơn khi so sánh với tỷ suất đầu tư và tiềm năng của thị trường bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán. Vị thế vốn của Tecchombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31 tháng 12 năm 2023. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định 30%, áp dụng từ ngày 1 tháng 10 năm 2023.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng đạt 14,4% vào ngày 31 tháng 12 năm 2023, giảm nhẹ so với các quý trước, song tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%. Chi phí dự phòng của Techcombank tăng 102,5% so với cùng kỳ, phản ánh sự chủ động của Ngân hàng trong trích lập dự phòng, phù hợp diễn biến số dư nợ xấu đã được lãnh đạo Ngân hàng dự báo từ đầu năm.

Về chất lượng tài sản, trong cả năm 2023, chất lượng tài sản của Tecchombank nằm trong mức chấp nhận rủi ro và phù hợp với dự báo về sự hình thành nợ cần chú ý/nợ xấu (SM/NPL). Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn 1,19%, giảm từ mức 1,4% vào cuối quý 3. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu là 1,12%. "Techcombank tăng tốc hiệu quả hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2023 và hoàn thành hoặc vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Ngân hàng thu hút tới hơn 2,6 triệu khách hàng mới trong năm 2023, nâng số lượng khách hàng lên hơn 13,4 triệu trên khắp cả nước. Trong quý 4 năm 2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế (LNTT) lần lượt tăng 18% và 22% so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực mạnh mẽ cho Ngân hàng bước vào năm 2024" – Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ.

Đưa thương hiệu ngân hàng Việt vươn tầm thế giới

Không chỉ nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn "Chuyển đổi ngành tài chính, Nâng tầm giá trị sống", Techcombank còn tham vọng đưa thương hiệu vươn tầm thế giới khi đặt mục tiêu vào top 10 ngân hàng Đông Nam Á với vốn hóa đạt mốc 20 tỷ USD vào năm 2025.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Techcombank tập trung vào chuyển đổi số mạnh mẽ với ba trụ cột Dữ liệu – Số hoá – Nhân tài. Đồng thời, đẩy mạnh hơp tác chiến lược với các đối tác hàng đầu thế giới như Amazon Web Services, Backbase, Salesforce, Adobe v.v. để tạo ra những giá trị khác biệt trên thị trường.

Techcombank cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên tổ chức roadshow tìm kiếm tài năng nước ngoài tại những trung tâm tài chính toàn cầu như Singapore, London, San Francisco hay Sydney, gặp gỡ và tuyển dụng những tài năng người Việt với kinh nghiệm độc đáo về làm việc tại ngân hàng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Techcombank đang tiến tới gần hơn mục tiêu khi hiện là ngân hàng tư nhân duy nhất của Việt Nam lọt "Top 163 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu", "Top 18 Đông Nam Á", và "Top 1 ngân hàng tư nhân giá trị nhất tại Việt Nam", theo xếp hạng của Brand Finance năm 2023.

Triển khai quyết liệt tái cơ cấu theo đề án chính phủ

Đầu năm 2024, Techcombank cũng là một trong số các ngân hàng trình kế hoạch chi tiết cho đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025", theo Quyết định số 689/QĐ-TTg, bao gồm lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Đề án này được áp dụng với tất cả các tổ chức tín dụng, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thành viên trong hệ thống chuyển mình tăng tốc, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, củng cố năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành theo chuẩn mực quốc tế.

Xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, tại Đề án 689, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng cần phát triển mô hình ngân hàng số, triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đây cũng chính là một trong những thế mạnh của Techcombank khi ngân hàng này đã có chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng công nghệ và chuyển đổi số từ rất sớm.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Techcombank đã mạnh tay chi tới 300 triệu USD cho các dự án chuyển đổi số, xoay quanh trục chiến lược "Khách hàng là trọng tâm". Không dừng lại ở đó, Techcombank tiếp tục tăng tốc đầu tư thêm 500 triệu USD cho hành trình chuyển đổi số trong chiến lược 5 năm 2021 - 2025, bắt tay với các đối tác hàng đầu thế giới như Amazon, Backbase, Salesforce, Adobe… với những dự án lớn về chuyển đổi số, xây dựng năng lực cạnh tranh mới.

Hiện Techcombank đang sở hữu tới 1.400 nhân sự cống hiến toàn thời gian cho lĩnh vực công nghệ và dữ liệu. Có thể nói đây là nguồn lực vô cùng lớn cả về tài chính và con người mà không phải tập đoàn nào, ngay cả các công ty lớn trong ngành công nghệ, cũng có thể huy động được.

Những khoản đầu tư vô cùng mạnh mẽ đã giúp Techcombank ghi dấu ấn của "người tiên phong" về chuyển đổi số, khi là ngân hàng đầu tiên có quy trình phát hành thẻ tín dụng phê duyệt ngay trên nền tảng số, hay gần đây là ra mắt nền tảng chữ ký số tức thời dành cho khách hàng doanh nghiệp. Tiếp tục ghi dấu ấn trên hành trình số hóa, ngày 22/1/2024, Techcombank cũng là ngân hàng tiên phong ra mắt tính năng "Sinh lời tự động". Theo đó, khách hàng chỉ cần kích hoạt tính năng này, số tiền trong tài khoản thanh toán sẽ được luân chuyển tự động và được sinh lời theo ngày.

Những sản phẩm và giải pháp tài chính vượt trội cung cấp đến khách hàng đã giúp Techcombank thu hút tới hơn 2,6 triệu khách hàng mới trong riêng năm 2023, cao gấp đôi so với năm 2022, qua đó, nâng tổng số khách hàng lên hơn 13,4 triệu vào cuối năm 2023.

Hiện 94% các giao dịch của khách hàng cá nhân tại Techcombank đã được thực hiện online. Đặc biệt, năm 2023 ghi nhận trung bình một khách hàng chủ động (active) mỗi tháng có tới hơn 50 lần đăng nhập ứng dụng mobile banking, trong nhóm dẫn đầu trên toàn cầu. Song song, Techcombank đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và các công cụ bảo mật như eKYC, quản trị dữ liệu, đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu và an ninh mạng. Nhà băng này cũng tiên phong thử nghiệm các giải pháp mới như thanh toán dùng mã QR và Apple Pay cho các cơ sở kinh doanh để cải thiện hơn nữa trải nghiệm khách hàng.

"Tôi tin tưởng rằng chiến lược chuyển đổi và kết quả khả quan trong một năm 2023 khá thách thức, một lần nữa, khẳng định sức mạnh nội tại của Ngân hàng, đồng thời tạo bước đệm vững chắc cho tăng trưởng cao trong những năm tới" – Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho hay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top