Aa

Quyết tâm của Thủ tướng và cơ hội cho một giấc mơ

Hồng Vân
Hồng Vân dohongvan115@gmail.com
Thứ Sáu, 22/09/2017 - 06:01

14 năm trước, khi đề án đô thị đại học Láng Hoà Lạc được manh nha triển khai (năm 2003), nhiều người đã mơ tưởng Việt Nam sẽ có một Harvard, Stanford hay Oxford - nơi trở thành niềm kiêu hãnh của tri thức, thắp lên ngọn lửa cho đam mê nghiên cứu và thỏa sức trải nghiệm.

Tuy nhiên, thực tế lại khá phũ phàng, sau hàng chục năm, mặc dù đã được đầu tư cả nghìn tỷ đồng nhưng dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc vẫn chưa biết đến khi nào có thể về đích.

Nói về lý do chậm trễ, nguyên Giám đốc ĐHQGHN Mai Trọng Nhuận đã từng trả lời báo chí rằng, ở các nước, người ta giao đất sạch, có tường rào cho trường ĐH. Sau đó, nhà nước hoặc các tổ chức xây thành khu ĐH, rồi giao cho các ĐH đến tổ chức đào tạo, nghiên cứu. Còn ở ta, đất giao cho nhà trường có cả đất của dân ở, đất nông nghiệp, đất quân đội, đất địa phương này, đất địa phương kia… Riêng việc đàm phán giữa các bên để xác định danh giới để có được 1.000 ha là cả câu chuyện, nhất là khi việc giải phóng mặt bằng ở Việt Nam là khâu nan giải nhất trong toàn bộ quá trình tổ chức xây dựng.

Sau đó, dự án được Chính phủ giao về cho Bộ Xây dựng tiếp quản. Lúc này, theo Bộ Xây dựng, khâu vướng mắc lại là do, sau khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư cũ của dự án là ĐHQGHN, Bộ mất rất nhiều thời gian để rà soát lại hồ sơ, tài liệu, hoàn tất các thủ tục pháp lý, xốc lại tổ chức của Ban quản lý dự án.

Quy hoạch khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Nguồn ảnh: Internet

Quy hoạch khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Nguồn ảnh: Internet

Cho tới cuối năm 2016, tức là sau hàng thập kỷ, tại cuộc họp về quy hoạch ĐHQGHN, các bên liên quan vẫn cho biết chưa tháo được vướng mắc cho câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng và chưa bố trí đủ kinh tế đầu tư xây dựng.

Trong khi các bên vẫn loay hoay tìm đường ra, thì ĐHQGHN phải “gồng mình” giữa những vị trí cửa ngõ của Thủ đô, chịu nhiều sức ép về hạ tầng. Giấc mơ đô thị đại học với nhiều thế hệ sinh viên là những cung bậc cảm xúc lẫn lộn: Từ khấp khởi hy vọng khi mới vào trường đến hồi hộp chờ đợi khi đang học rồi chìm vào quên lãng khi họ đã ra trường và cuốn theo những lo toan của mưu sinh, khởi nghiệp.

TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex R&D – người đã từng rất tâm huyết và dành trọn thời gian, tâm trí của mình để thiết kế quy hoạch Khu đô thị ĐH Láng Hòa Lạc tiếc nuối chia sẻ rằng, dường như trong câu chuyện này, không thấy ai vội cả.

TS Hoàng Hữu Phê

TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex R&D

“Mười mấy năm trước, vào 2002 - 2004, khi bắt đầu làm việc với HOK San Francisco (công ty hàng đầu thế giới chuyên về quy hoạch, thiết kế đô thị), chúng tôi đã hy vọng vào khoảng năm 2007 dự án này sẽ bắt đầu đón những lớp sinh viên đầu tiên. Tôi còn nhớ chị Sarah Katz, lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch HOK, đã cặm cụi vẽ tay tất cả các planning concepts để trình bày, tôi cũng vẽ tay cùng chị ấy, bằng thuốc nước” - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex R&D kể lại. 

TS. Hoàng Hữu Phê chia sẻ, khi đó ông và rất nhiều người đã kỳ vọng về một đô thị ĐH tầm cỡ sánh ngang với các nước trên thế giới, và hơn tất cả, là một môi trường thực sự cho những sáng tạo vô hạn, là nơi thế hệ trẻ có thể tận dụng được cả điều kiện cơ sở vật chất ở trường ĐH và những cơ hội tiếp cận thực tế ở Khu Công nghệ cao (CNC) để thử sức.

“Tại trung tâm ĐHQGHN, chúng tôi đã cố gắng tái tạo (một cách chọn lọc) cảm giác về mặt nước hồ và dòng sông, với dải mương nước dưới chân núi Thằn Lằn và hồ trung tâm. Điều này gợi liên tưởng đến hình ảnh sông Hồng và hồ Hoàn Kiếm, với các khu trường trong hệ thống ĐHQG nối nhau bằng các lối đi bộ, mô phỏng theo các đường phố tỷ lệ con người và các hoạt động giao tiếp sôi nổi như ở phố cổ HN, một môi trường lý tưởng cho việc kết nối người với người, vốn là khung cảnh thuận lợi nhất cho phát minh, sáng tạo ở một khuôn viên đại học quan trọng nhất tại Việt Nam.

Tôi còn mơ mộng đến mức đề xuất dùng dải đất ngăn cách giữa ĐHQG và Khu CNC Hòa Lạc (dọc hai bên đường 21), để dùng làm khu startups đặc biệt dành riêng cho các sinh viên từ các khoa IT-related của ĐHQG liều lĩnh bỏ học, gây dựng cơ đồ của họ (muốn thử sức như Bill Gate hay Mark Zuckerberg!). Ngoài ra còn có một nhánh MRT chạy giữa ĐH Quốc gia và Khu CNC Hòa Lạc, dành cho sinh viên di chuyển từ trung tâm thành phố về đô thị đại học - một thành phố của tri thức và tiện nghi. Ấy là tôi mô tả ý đồ ban đầu của khu này vào 2002 - 2004, trước khi Hà Nội mở rộng vào 2008” - ông Phê cho biết. 

Theo TS. Hoàng Hữu Phê, sự trì trệ kéo dài hàng thập kỷ của Dự án đô thị đại học và cả Khu CNC đã khiến nhiều cơ hội của Hòa Lạc bị bỏ lỡ: “Có lẽ không phải ai cũng biết là lẽ ra Intel complex (bây giờ đặt trụ sở ở TP.HCM) đã vào Khu CNC Hòa Lạc từ những ngày ấy, tôi là người làm việc trực tiếp với nhóm nghiên cứu của Intel ở Việt Nam, nhưng rõ ràng lúc bấy giờ thì cả HN và Bộ KHCN đều chưa sẵn sàng, vì thế nên một thời gian dài tôi đã nghĩ Hòa Lạc có lẽ là điển hình của cái gọi là "cơ hội bị bỏ lỡ (missed opportunity)" trong quy hoạch chiến lược.”

Khu đô thị ĐH hiện đại tưởng chừng như sẽ mãi chỉ là dự án dang dở, cho đến ngày 12/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với ĐHQGHN đã thể hiện quyết tâm sẽ xây dựng đô thị ĐH tầm cỡ quốc tế. Thủ tướng cho biết ngay sau cuộc làm việc sẽ xuống hiện trường thị sát công tác xây dựng dự án để đưa chủ trương, quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực, chứ không phải “cứ ngồi hội trường bàn mãi”.

Đồng thời, ngay tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đưa ra những quyết sách táo bạo: đồng ý kiến nghị của Giám đốc Nguyễn Kim Sơn liên quan dự án xây dựng tại Hòa Lạc, trước hết là việc chuyển dự án, ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐHQGHN.

Phê duyệt chủ trương vay ODA từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, ĐHQGHN thống nhất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Trước thông tin này, TS. Hoàng Hữu Phê bày tỏ sự vui mừng: “Thật là một tin tốt lành khi nghe Chính phủ thực sự muốn đẩy mạnh dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Tưởng là mọi chuyện đã rơi vào một mớ bòng bong của các thủ tục chậm trễ và sự lãng quên, nhưng hình như mọi việc bây giờ mới thực sự bắt đầu, sau khoảng 13 năm so với dự định. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn là muộn còn hơn không!”

13 năm để bứt phá cho một giấc mơ, có lẽ đúng như TS. Hoàng Hữu Phê nói: "Muộn còn hơn không", nhưng lúc này cần sự rần rần chuyển động của cả hệ thống, cần một sự "sốt ruột" để tăng tốc, bù lại thời gian đã mất. Vì nếu không phải bây giờ thì sẽ là bao giờ? Nhà triết học Francis Bacon đã nói: "Tri thức là sức mạnh". Hiện thực hóa khát vọng về một khu đô thị ĐH, một thành phố của những sáng tạo vô biên cũng chính là hiện thực hóa khát vọng lớn mạnh của dân tộc. Bởi suy cho cùng, đầu tư cho tri thức, chính là sự đầu tư khôn ngoan nhất, là cội nguồn, nội lực cho sự hùng cường của một quốc gia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top