"Nhựa không thay thế được"
Trong thời gian gần đây, nạn rác thải nhựa nhận được nhiều quan tâm của người Việt Nam và các phương tiện truyền thông. Những ngày qua, thông tin một xác cá voi ở Indonesia có tới... 6kg rác thải nhựa (bao gồm 115 chiếc cốc, 25 túi nilon, 1 đôi dép, 4 chai nhựa và 3,2kg dây nhựa, theo TTXVN) càng khiến cụm từ "rác thải nhựa" trở thành đề tài nóng hơn nữa.
Xuất hiện tại một sự kiện tuần qua, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam bất ngờ nhận được thắc mắc về chủ đề này - vấn nạn ngày càng "nhức nhối" và liên quan mật thiết đến ngành của ông.
Trước dấu hỏi đó, ông Lam chia sẻ: "Có một điều tôi khẳng định với các bạn rằng nhựa không thể không có trong đời sống con người. Đó là điều không thể, vì nhựa có quá nhiều đặc tính để thay thế các nguyên liệu khác, và chính nó sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng và trong xã hội.
Chúng ta thấy rằng các du thuyền vũ trụ, phi thuyền lên các quỹ đạo, các máy bay, bao nhiêu phần trăm nhựa được sử dụng trong đó? Là 60%".
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhấn mạnh vai trò của nhựa trong đời sống con người: "Trong tất cả các đồ dùng trong gia đình hiện nay, thử xem xem tỷ lệ nguyên liệu nhựa sử dụng trong gia đình các bạn chiếm bao nhiêu phần trăm so với các nguyên liệu khác? Hiện nay nó thay thế cả sắt thép, cả nhôm, cả gỗ… "
"Gần như tất cả các vật dụng trong gia đình đều làm từ nhựa", ông Lam nói.
"Nhựa không có tội!"
"Nhựa nó không có tội, đối với người tiêu dùng và đối với môi trường. Tuy nhiên, cái việc mà tại sao hiện nay nó là một vấn nạn, chính là ý thức của người sử dụng nhựa chứ không phải do nhựa", ông Lam cho hay.
Theo ông Hồ Đức Lam, bình quân sử dụng nhựa của Việt Nam còn ở mức thấp so với thế giới, "chỉ có 40kg/đầu người, so với Thái Lan là gần 100 và so với Nhật Bản là gần 200". Trong khi đó, nước ta lại đứng thứ 5 toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.
"Tức là ý thức người sử dụng đang chưa đúng, anh thải nó ra ngoài và cuối cùng nó phải mang cái tội", Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhìn nhận.
Ông Lam cho biết, tại một diễn đàn gồm 11 nước châu Á – Thái Bình Dương về nhựa mà ông tham gia, "trong 2/3 thời gian của diễn đàn họ dùng cho việc làm thế nào để tái chế, để sử dụng và quản lý nhựa sau khi sử dụng".
Vị này nhấn mạnh việc sử dụng nhựa như thế nào, tái chế ra sao mới là vấn đề, chứ không phải bản chất chất liệu nhựa.
"Nhật Bản là một trong những nước gần như không có rác thải nhựa, vì họ đưa rác thải nhựa biến thành năng lượng họ đốt. Và ở Mỹ cũng vậy, các nước càng phát triển thì càng ít. Vậy vấn đề ở đây là ý thức con người, và công nghệ để anh tái chế nó như thế nào, biến nó thành sản phẩm sử dụng lại và vẫn mang lại lợi ích cho con người", ông Hồ Đức Lam nói.
Bên cạnh đó, ông Lam cho biết đây là vấn đề của cả xã hội, gồm chính phủ, các ban ngành và người tiêu dùng. "Trong đó Hiệp hội nhựa là nhân tố thúc đẩy", ông Lam thẳng thắn.
Việt Nam lọt top 5 quốc gia "đóng góp" rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất Theo nghiên cứu do tạp chí Science công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất, góp phần tạo ra 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới mỗi năm. |