Xây dựng dân dụng tăng trưởng theo nhu cầu tất yếu
Tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp, sự dịch chuyển cơ cấu dân số sang thành thị sẽ tăng dần và ngành du lịch phát triển... là những yếu tố đã và đang làm cho ngành xây dựng dân dụng và phi dân dụng tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế có sự tương quan lớn, cùng với đó còn có sự gia tăng trong xây dựng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Tỷ lệ đô thị hóa nhanh tạo nhu cầu nhà ở liên tục. Dân số Việt Nam đã tăng từ 66 triệu người vào năm 1990 lên 91 triệu người năm 2016, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực chỉ sau Indonesia và Philippines. Tuy nhiên Việt Nam lại thuộc một trong ba nước có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong Asean khi đạt 34% vào năm 2015. Do vậy, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Trong 30 năm qua, Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng 3,4%/năm). Tính đến hết tháng 6 đầu năm 2016 dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 36%. Ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị và đến năm 2050 dự kiến tỷ lệ này đạt 60%.
Nhu cầu cao về nhà ở tại các thành phố lớn được thúc đẩy bởi quá trình dịch chuyển cơ cấu dân số ra khỏi vùng nông thôn sang các lĩnh vực khác như công nghiệp và dịch vụ. Nếu mỗi năm tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam tăng 1%, tương đương với có thêm 1-1,2 triệu người do sự di cư của người dân từ nông thôn ra thành thị sinh sống.
Một yếu tố kích ngành xây dựng dân dụng phát triển nữa là lãi suất thuận lợi tăng cường tăng trưởng tín dụng. Mức lãi suất thấp trong thời gian gần đây và hiện tại ít biến động dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo động lực cho dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản cũng như việc mua nhà trong dân cư.
Trong khi đó, tăng trưởng mảng xây dựng nhà dân dụng phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng của thị trường BĐS. Ngành BĐS được kỳ vọng tiếp tục bước vào thời kỳ "vàng" trong năm 2017. Dự báo ngành xây dựng dân dụng, đặc biệt mảng xây dựng căn hộ nhà ở sẽ vẫn duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng do lượng giao dịch có thể không theo kịp với nguồn cung mới.
Xây dựng hạ tầng giao thông: Hợp tác PPP và BOT kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực
Báo cáo triển vọng ngành xây dựng của Công ty Chứng khoán Vietcombank công bố mới đây cho thấy, mảng xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang dần cải thiện và kỳ vọng tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2016-2025.
Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, điện, nước và viễn thông. Ước tính trong 5 năm tới Việt Nam cần trên 200 tỷ USD để đầu tư hạ tầng, và cũng cần mức tương tự cho 5 năm kế tiếp.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư huy động cho phát triển riêng hạ tầng giao thông vận tải đạt 380.000 tỷ đồng, tăng bình quân 38%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của vốn huy động ngoài ngân sách đạt 121.000 tỷ đồng (chiếm 32%), tăng gần 48%/năm và tăng cao nhất so với các nguồn vốn khác. Dự kiến tổng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950.000 tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD), trong khi nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 26%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức đầu tư cho 68 dự án thuộc danh mục dự án PPP ưu tiên giai đoạn 2016-2020 được đề xuất lên tới 334.655 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn Nhà nước tham gia lên tới 114.211 tỷ đồng và phần còn lại dự kiến huy động vốn tư nhân.
Trong bối cảnh nguồn vốn rẻ ODA (đầu tư hạ tầng chiếm hơn 30% trong cơ cấu vốn ODA) sẽ không còn nhiều từ năm 2018 và ngân sách Nhà nước cùng các hình thức khác chỉ có thể đáp ứng 40-50% vốn cho cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới. Do đó, đầu tư tư nhân sẽ cần thiết hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng trong ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Trong đó, các hình thức hợp tác PPP hay BOT kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2017. Thêm nữa, sau khi Nghị định Chính phủ (15/2015 / NĐ-CP) về quan hệ đối tác công-tư (PPP) tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng, công nghiệp và năng lượng.