Aa

Hơn 2,6 tỷ USD vốn ngoại bị rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam: Nguyên nhân do đâu?

Thứ Tư, 08/12/2021 - 06:15

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại liên tiếp bán ròng là TTCK Việt Nam chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn nâng hạng, trong đó có quy định khống chế room ngoại.

Theo thống kê của Reatimes, kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,6 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước đến nay. Ước tính, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chỉ ở mức 16%, thấp nhất kể từ tháng 7/2019. 

Thực tế, trong khoảng gần 2 năm trở lại đây, sự trỗi dậy của dòng vốn nội mạnh mẽ và kéo dài đã trở thành "bà đỡ" chính của thị trường trước áp lực bán ròng từ khối ngoại. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, sự ảnh hưởng của khối ngoại đến thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn quá lớn.

Tuy nhiên có một thực tế, sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vẫn là tâm điểm của thị trường chứng khoán và tiền của nhà đầu tư ngoại vẫn là mục tiêu để chứng khoán thu hút đầu tư; vừa giúp giảm áp lực nguồn vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, vừa quốc tế hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Câu chuyện vì sao bán ròng trường kỳ của bộ phận nhà đầu tư này đã được các chuyên gia lý giải rất nhiều như tái cơ cấu danh mục, chờ đợi cơ hội giải ngân... Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng đà bán ròng này đã bắt đầu từ quý IV/2020 bất chấp việc thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp thăng hoa, thiết lập mức đỉnh mới. Nếu chỉ là tái cơ cấu danh mục hoặc chờ cơ hội thì thời gian suốt một năm qua là "khoảng lặng" quá dài.

Sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vẫn là tâm điểm của thị trường chứng khoán
Sự quay trở lại của dòng vốn ngoại vẫn là tâm điểm của thị trường chứng khoán. (Ảnh minh họa: Internet)

Khi đặt ra câu hỏi, liệu còn nguyên nhân nào khác, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, bên cạnh những nguyên nhân từ chính các nhà đầu tư ngoại thì vẫn có những yếu tố đến từ nội tại. Có thể kể đến như một số doanh nghiệp thực hiện tăng vốn nhưng không nằm trong kế hoạch của các quỹ, nên bắt buộc phải bán những cổ phiếu này để tránh việc thực hiện quyền mua.

Ngoài ra, theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán MBS, trong giai đoạn 2016 - 2019, thị trường ghi nhận hàng loạt giao dịch mua ròng bởi các tổ chức nước ngoài nhờ kỳ vọng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trong năm 2020 hoặc 2021.

Tuy nhiên tới nay, vấn đề nâng hạng vẫn đang bị bỏ lỡ. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài có các động thái giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam, dẫn tới đà bán ròng kéo dài trong suốt thời gian vừa qua.

Đồng quan điểm với ông Trần Hoàng Sơn, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đi trước để đón đầu “sóng” nâng hạng nhưng mục tiêu chưa đạt được nên thực hiện động thái “rút tiền về nhà”.

Cũng theo ông Dominic Scriven, thị trường Việt Nam là một thành phần của chỉ số các thị trường cận biên của thế giới nên khó thu hút đầu tư bởi quy mô quá nhỏ. Do đó, khi khối ngoại thanh lý chiến lược đầu tư, dù muốn hay không, họ vẫn phải rút bớt vốn khỏi chứng khoán Việt Nam.

Vậy vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể nâng hạng? Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, một trong những vướng mắc quan trọng liên quan đến việc chậm trễ nâng hạng là vấn đề tỷ lệ sở hữu (room) của các nhà đầu tư nước ngoài. Dù đã có những bước tiến lớn trong chính sách nhưng hiện Việt Nam vẫn còn giới hạn room ngoại ở một số ngành nghề có điều kiện như ngân hàng, cảng biển...

Cũng theo ông Điệp, tuy những ngành nghề kinh doanh có điều kiện không thể "bung xõa" room nước ngoài bởi còn liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn quốc gia nhưng có thể nâng tỷ lệ lên 35% hoặc 49% để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại talkshow Phố Tài chính được tổ chức mới đây, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, dù nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn là thị trường tốt với nhiều cơ hội khi có môi trường lãi suất thấp, cũng như nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tích cực hoặc còn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

"Hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM (Frontier Markets) đi vào thị trường MSCI (Emerging Markets). Khi vào thị trường Emerging Markets, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay”, ông Andy Ho nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top